ThS Thuý Phượng: Có bệnh vái tứ phương, phương nào đáng tin cậy? - Doctor247

ThS Thuý Phượng: Có bệnh vái tứ phương, phương nào đáng tin cậy?

Tham dự chương trình Bền sức khoẻ, trẻ thân tâm do trang mạng xã hội Doctor247 tổ chức tại TPHCM cuối tháng 11/2023, ThS Nguyễn Thị Thúy Phượng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong, cho rằng mỗi khi chúng ta lâm bệnh thì cần tham khảo nhiều thông tin đáng tin cậy khác nhau.

ThS Nguyễn Thị Thúy Phượng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong, chia sẻ tại chương trình Bền sức khoẻ, trẻ thân tâm

ThS Nguyễn Thị Thúy Phượng cho biết những năm qua, chị thường xuyên vào bệnh viện chăm sóc, phụng dưỡng cho cha, mẹ của mình (mẹ chị đã qua đời năm 2020). Bản thân chị cũng có bệnh cần phải xét nghiệm, khám chữa thường xuyên. Tuy nhiên, những kết quả không vui về bệnh tình không làm chị Phượng mất đi sự lạc quan.

Chị Thúy Phượng cho rằng con người thì ai ai cũng có thể phải đối diện bệnh tật, nhất là khi bước vào tuổi U.40, U.50… – nghĩa là thời “son trẻ”, khoẻ mạnh nhất về thể chất đã qua. Quan trọng là cách mỗi người chúng ta đối diện với điều đó như thế nào. Chị nói:

“Khi đi khám bệnh và cầm kết quả két nghiệm “không mấy vui” trên tay, lòng tôi cũng trĩu nặng và buồn lắm. Mãi sau đó mới bình tĩnh lại và suy nghĩ mọi việc theo hướng tích cực nhất có thể. Đó là tôi bắt đầu sắp xếp lại tất cả mọi thứ trong cuộc sống, chọn lựa sẽ làm cái gì trước, làm cái gì sau cho phù hợp với tiến trình chữa bệnh của mình”.

Chị Thuý Phượng trong một lần khám chữa bệnh tại bệnh viện – Ảnh NVCC

Gặp bệnh khó chữa thì sao?

Chị Thúy Phượng kể:

“Khi mình biết mình bệnh, tâm lý sẽ khác với khi mình biết người thân mình bệnh. Người thân mình bệnh thì mình có thể chủ động lo lắng mọi việc sao cho tốt nhất, ví dụ liên hệ với bác sĩ A, bác sĩ B, người quen C, kết nối các mối quan hệ để giúp người thân mình được cứu chữa theo phương cách, điều kiện tốt nhất có thể.

Thế nhưng khi chính bản thân chúng ta biết rắng mình bắt đầu bệnh thì nhiều khi chúng ta bần thần không biết chia sẻ điều đó với ai, không biết gọi điện cho ai. Nhất là khi là mình biết rằng là mình mình bị một cái bệnh mà tất cả ai nghe qua cũng sẽ rất sợ.

Sau cùng, tôi chọn thái độ nhẹ nhàng và quyết định chia sẻ thông tin bệnh tình của mình trên trang cá nhân mạng xã hội. Vì sao tôi làm điều đó trong khi bình thường ai biết mình bệnh (ví dụ thuộc dạng nan y, khó chữa…) thì thường có xu hướng giấu đi?

Trước hết, tôi nghĩ rằng xã hội không thiếu nhiều người lâm vào hoàn cảnh giống mình. Có thể người ta không tiết lộ do tâm trạng họ rối bời vì lo lắng, đồng thời cũng do nhiều lý do tế nhị, nhạy cảm khác nhau. Còn tôi, khi nói lên thông tin bệnh tình với cộng đồng bạn bè của mình thì ít nhất tôi sẽ nhận được nhiều lời tư vấn, lời khuyên giá trị từ chính những người bạn vốn cũng bệnh và có kinh nghiệm đối diện với bệnh tật.

Những chia sẻ của bạn bè đồng cảnh ngộ, hoặc bạn bè có những kiến thức y khoa nhất định sẽ góp phần giúp cho tôi có một kênh tham khảo hữu ích về tâm lý lẫn hành trình chiến đấu với bệnh tật. Tôi nhận được nhiều thông tin để sàng lọc lại điều tham khảo phù hợp.

“Mạng xã hội Doctor247 cần có những câu chuyện người thật việc thật được sẻ chia nơi cộng đồng mạng” – chị Thuý Phượng bày tỏ.

Hiểu đúng tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”

Như tôi đã chia sẻ ở trên, khi có bệnh từ nhẹ đến nặng, từ dễ chữa đến những loại bệnh nhắc đến là ai cũng “rùng mình” như ung thư chẳng hạn, người bệnh thường rất bối rối. Ngay cả tôi vốn tự nghĩ mình là người có nhiều thông tin, nhiều mối quan hệ ở thị thành, từng quen thuộc với hoạt động chăm sóc người thân bị bệnh nặng và qua đời theo vòng tròn “sinh, lão, bệnh, tử”, vậy mà cũng lo lắng không yên.

Vì vậy, đối với những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, những người thiếu điều kiện, thiếu thông tin… thì rất cần sự tham khảo hữu ích cho sức khoẻ của mình. Dĩ nhiên, những thông tin chỉ mang tính tham khảo này không thay thế được việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa của bác sĩ, nhưng ít ra giúp mọi người nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Mà nào chỉ ở vùng nông thôn, ngay cả những người trẻ sống ở các đô thị hiện đại, công nghệ phát triển có thể tham khảo mọi thông tin ngồn ngộn qua chiếc điện thoại thông minh cầm tay, thì cũng cần có lăng kính chọn lọc.

Không chỉ có bệnh mới “vái tứ phương”, mà chúng ta cũng cần quan tâm chăm sóc sức khoẻ trong cuộc sống thường ngày. Đó có thể là rèn luyện thể dục thể thao, là tinh thần vui vẻ, lạc quan, cân bằng hài hoà cuộc sống và áp lực công việc, có lối sống lành mạnh, bình an… như những bài viết chia sẻ ở chuyên mục “Vui trẻ khoẻ đẹp” trên mạng xã hội Doctor247.

Chương trình Bền sức khoẻ, trẻ thân tâm do trang mạng xã hội Doctor247 tổ chức tại TPHCM

Sẻ chia chuyện người thật việc thật

Tôi nghĩ bên cạnh những kiến thức y khoa được chọn lọc đáng tin cậy, mạng xã hội Doctor247 cần có những câu chuyện người thật việc thật được sẻ chia nơi cộng đồng mạng. Qua đó, mọi người khi gặp bệnh tật, kể cả bệnh hiểm nghèo, đều có thể hiểu rằng họ không đơn độc và không có điều gì là tuyệt vọng.

Tâm lý người bệnh có thể đỡ suy sụp hơn khi đọc những câu chuyện truyền cảm hứng về nhiều người trong cộng đồng đã vượt qua bệnh tật bằng ý chí và phương pháp chữa bệnh đúng cách từ các y bác sĩ giỏi nghề, hết lòng cứu chữa bệnh nhân.

Trong cuộc sống có rất nhiều việc không phải cứ theo ý mình mới là tốt. Mặt trời không vì bạn không vui mà sớm mai không mọc. Trên đời chỉ có búa rìu chưa đủ sắc bén, chứ không có loại cỏ cây nào là không thể đốn đi. Nếu muốn – người ta sẽ nghĩ cách, còn không – họ sẽ tìm lý do! Chữa bệnh cũng vậy.

Tôi rất tâm đắc với nội dung bàn tròn Bền sức khoẻ, trẻ thân tâm do trang mạng xã hội Doctor247 tổ chức. Chữ “bền” trong “Bền sức khoẻ” rất có ý nghĩa. Mình muốn bền sức khoẻ thì phải có quá trình.

Cuộc đời chúng ta giống như một cuộc chạy marathon chứ không phải là chạy nước rút 100m. Và độ bền để chạy được cự ly dài… như cả một đời thì đều khởi đi từ những bước chân nhỏ nhất. Như đầu tiên đứa trẻ chập chững đi bộ, sau đó lớn lên có thể chạy bộ rồi đi một chặng đường dài bền bỉ cho đến viên mãn cuối đời.

Tôi nghĩ sự ra đời của mạng xã hội sức khỏe và lối sống như Doctor247 là cực kỳ cần thiết giúp cộng đồng chia sẻ, thảo luận các nội dung về y tế, sức khỏe, góp phần giúp mỗi người và người thân của họ nâng cao nhận thức về sức khỏe, lối sống trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay”.

ThS Nguyễn Thị Thuý Phượng

Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong

 

Bàn tròn Bền sức khoẻ, trẻ thân tâm do Mạng xã hội Sức khoẻ và Lối sống Doctor247 tổ chức ngày 18/11 tại TPHCM. Chương trình bao gồm các chủ đề về chăm sóc sức khoẻ tinh thần trong thời đại số; trao đổi cách phụ nữ cân bằng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần thông qua tập luyện thể thao và chia sẻ việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ từ sách đến mạng xã hội trong thời đại hôm nay…

Công chúng và cộng đồng quan tâm đến sức khoẻ và lối sống tích cực có thể tìm hiểu thêm thông tin tại các kênh chuyển tải nội dung của Doctor247:

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận