Chủ đề
Gạo lứt có tốt cho người bệnh tiểu đường?
Bác sĩ giải đáp về tác dụng của gạo lứt với người bệnh tiểu đường để ăn uống hợp lý, tránh tăng đường huyết, đem đến lợi ích cho sức khỏe.
Câu 1: Gạo lứt là thực phẩm lành mạnh?
Trong quá trình xay xát, gạo lứt không bị tách lớp mầm và cám, giữ được nhiều chất xơ nên giàu dinh dưỡng hơn gạo trắng. Đây là thực phẩm lành mạnh, nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất.
BS.CKII Trần Thùy Ngân (khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, gạo lứt chứa nhiều flavonoid – hợp chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim, ung thư và bệnh Alzheimer. Chất xơ trong loại gạo này có lợi cho sức khỏe tiêu hóa và làm tăng cảm giác no, hỗ trợ giảm cân. Gạo này cũng rất giàu magiê, hỗ trợ phát triển xương, cơ, hoạt động thần kinh, góp phần chữa lành vết thương và điều chỉnh đường huyết. Loại ngũ cốc nguyên hạt này cung cấp riboflavin, sắt, kali và folate cần thiết cho cơ thể.
Câu 2: Gạo lứt có tốt cho người bệnh tiểu đường?
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, ăn nhiều gạo trắng có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Thay thế gạo trắng bằng gạo lứt trong chế độ ăn hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh này. Vì gạo lứt có thể giúp ổn định lượng đường trong máu, có lợi cho người bị tăng đường huyết. Gạo lứt có chỉ số đường huyết (GI) trung bình (68), trong khi gạo trắng có mức GI cao (73). Do đó, người bệnh tiểu đường ăn gạo lứt tốt hơn ăn gạo trắng.
Câu 3: Lợi ích cụ thể của gạo lứt với bệnh tiểu đường là gì?
Hàm lượng chất xơ cao trong gạo lứt có thể làm giảm đáng kể đường huyết sau ăn ở người thừa cân, người bệnh tiểu đường type 2. Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa St Marianna (Nhật Bản), người tiểu đường ăn 2 lần gạo lứt mỗi ngày trong 8 tuần có thể giảm chỉ số xét nghiệm A1C (đường huyết trung bình trong 3 tháng) so với ăn gạo trắng.
Gạo lứt còn hỗ trợ giảm cân, qua đó, giúp cải thiện kiểm soát đường huyết. Kiểm soát đường huyết và cân nặng tốt góp phần ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự tiến triển của bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu của Đại học Cambridge, hơn 860 người cho thấy, người mắc bệnh tiểu đường type 2 trong vòng 5 năm giảm 10% trọng lượng cơ thể có khả năng thuyên giảm bệnh cao gấp đôi. Nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard, trên 3,3 triệu người cho thấy, người ăn ít nhất 2 phần gạo lứt mỗi tuần giảm 16% nguy cơ mắc tiểu đường type 2 so với ăn gạo trắng, do hàm lượng chất xơ và magiê trong gạo lứt cao hơn.
Câu 4: Nên ăn bao nhiêu gạo lứt mỗi ngày?
Gạo lứt có lợi cho người bệnh tiểu đường và kiểm soát đường huyết cũng như cân nặng nhưng chỉ khi ăn với lượng hợp lý. Bởi gạo này cũng chứa nhiều carbohydrate (carb), nếu ăn quá nhiều vẫn có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Người bệnh tiểu đường cần căn cứ vào lượng tiêu thụ tối ưu của bản thân, dựa trên mục tiêu về đường huyết và lượng carb để xác định lượng gạo lứt phù hợp. Ví dụ, bạn cần tiêu thụ 30 g carb mỗi bữa thì lượng gạo lứt là 1/2 chén (100 g) chứa 26 g carb. Gạo lứt hay ngũ cốc nguyên hạt khác chỉ là một phần của chế độ ăn uống cân bằng, bạn nên kết hợp các loại thực phẩm bổ dưỡng khác trong mỗi bữa ăn gồm protein nạc, chất béo lành mạnh, trái cây và rau ít carb. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh giúp đường huyết ổn định và quản lý tốt bệnh tiểu đường.
Câu 5: Cần lưu ý gì khi ăn gạo lứt không?
Gạo lứt có chỉ số đường huyết (GI) trung bình nhưng cần nấu ở lượng nước vừa phải để tránh làm tăng GI của gạo. Không nên vo gạo kỹ để tránh mất chất dinh dưỡng ở lớp cám bên ngoài. Bạn nên nấu gạo lứt vừa chín tới, không nấu quá chín để giữ được lượng vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất khác trong gạo. Ăn cơm gạo lứt cần ăn chậm, nhai kỹ để tốt cho hệ tiêu hóa và hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
Gạo lứt có thể chể chế biến thành các món như cơm, cháo, nấu nước uống, salad… Người tiểu đường cần kiểm tra đường huyết sau mỗi bữa ăn để xác định lượng gạo lứt phù hợp và kiểm soát tốt lượng đường trong máu vì thông thường chỉ số này sẽ tăng lên sau ăn.
My Chau
Theo VnExpress