Tinh thần Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
“Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Sáng 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế của các đại biểu, đặc biệt là của Tổ chức Y tế Thế giới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị và báo cáo của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, xây dựng bộ tài liệu tương đối hoàn chỉnh phản ánh quá trình phòng chống dịch, đúc rút các bài học kinh nghiệm, làm tốt công tác tuyên truyền để có khả năng thích ứng linh hoạt, hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra trong tương lai.
Tạo sức mạnh tổng hợp để chung sức, đồng lòng phòng chống đại dịch Covid-19
Về công tác chỉ đạo điều hành phòng chống dịch, Thủ tướng đánh giá, chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời khi tình hình diễn biến phức tạp hơn, thành lập hệ thống chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận đúng với việc xác định cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, do dân, vì dân; đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết,trước hết; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của toàn dân.
Công tác phòng, chống dịch đã được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó huy động sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 2 lần ra Lời kêu gọi, hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả đất nước chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư ban hành nhiều Kết luận, Thông báo, Điện, Công điện, như Kết luận số 172-TB/TW ngày 21/3/2020 của Bộ Chính trị về phòng, chống dịch COVID-19, Kết luận 77-KL/TW ngày 6/5/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế, Điện ngày 28/7/2020 của Thường trực Ban Bí thư; Kết luận số 11-KL/TƯ ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương 3, Kết luận 07-KL/TƯ của Bộ Chính trị ngày 11/6/2021 về công tác phòng, chống dịch COVID-19; Điện ngày 27/4/2021, Thông báo 10-TB/VPTW ngày 24/8/2021 của Ban Bí thư.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thường xuyên thảo luận, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra những định hướng lớn, các phương châm, đường lối, chiến lược trong phòng, chống dịch.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, đặc biệt Nghị quyết số 30/2021/QH năm 2021 của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực tiễn phòng, chống dịch.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các đoàn thể chính trị – xã hội, địa phương đã vào cuộc rất tích cực.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo với các phương châm phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trong từng giai đoạn.
Đặc biệt, Chính phủ đề ra và triển khai chiến lược vaccine với 3 thành tố quan trọng: Thứ nhất là lập Quỹ Vaccine để huy động nguồn lực tài chính; thứ hai là tiến hành ngoại giao vaccine để tiếp cận vaccine trong bối cảnh tiếp cận vaccine không bình đẳng; thứ ba là triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân. Chiến lược này đã được thực tế chứng minh là phù hợp và hiệu quả.
Cùng với đó, xác định 3 trụ cột chống dịch gồm cách ly, xét nghiệm và điều trị; xác định công thức “5K + vaccine + điều trị + xét nghiệm + công nghệ + ý thức của người dân và các biện pháp khác”, trong thực tế chỉ đạo, điều hành đặc biệt nhấn mạnh hai yếu tố rất quan trọng là vaccine và ý thức của người dân. Trong bối cảnh khó khăn, đã huy động đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ, các chiến sĩ công an, bộ đội tham gia tuyến đầu chống dịch.
Một yếu tố quan trọng khác là tuy có những lúc bị động, lúng túng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, song công tác chỉ đạo, điều hành đã bám sát, nắm chắc tình hình, chuyển trạng thái phù hợp từ “Zero COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” khi đã bao phủ vaccine và có nhiều kinh nghiệm hơn.
Công tác truyền thông được đặc biệt chú trọng; ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều nỗ lực và đạt một số kết quả.
Theo Thủ tướng, trong phòng chống dịch, chúng ta đã phát huy rất tốt mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, càng áp lực lại càng nỗ lực
Kết quả là chúng ta đã đi sau về trước trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.
Đặc biệt, từ một nước tiếp cận sau về vaccine, có tỉ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam trở thành một trong 5 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đối ngoại và hội nhập được tăng cường và mở rộng. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.
Tính đến 31/12/2022, đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khoảng 451.000 tỷ đồng; giảm, hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 50.000 tỷ đồng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng khoảng 13.000 tỷ đồng và hỗ trợ trên 47.200 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Các địa phương cũng chủ động triển khai chương trình an sinh xã hội và thực hiện hỗ trợ với hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng cộng, công tác an sinh xã hội đã được triển khai với khoảng 120.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 68 triệu lượt người và 1,48 triệu người sử dụng lao động, 150.000 tấn gạo được xuất cấp…
“Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực”, Thủ tướng khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng, đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương, Ban chỉ đạo các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đặc biệt cảm ơn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ bộ đội, công an và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19; đồng thời, tri ân sự hy sinh, đóng góp ý nghĩa, cao cả của các lực lượng, người dân tham gia phòng chống dịch, các nhà hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, mất mát của người dân và doanh nghiệp, chia buồn với những gia đình đã mất người thân.
Nhân dịp này, Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia một lần nữa cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến đấu cam go với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch còn lúng túng, bị động lúc ban đầu; các quy định của pháp luật không bao quát được hết các tình huống dịch bệnh; hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng không đáp ứng được những tình huống bất thường, khẩn cấp; quản lý hành chính còn những bất cập, một số nơi chưa thực hiện đúng quy định, hướng dẫn; một số hạn chế về truyền thông, công nghệ, an sinh xã hội; sự chống phá của các thế lực thù địch…
Theo Chinhphu
>>> Gần 4.400 trẻ em Việt Nam mồ côi sau đại dịch Covid-19
>>> Infographic: 3 năm Việt Nam chống dịch COVID-19 không thể nào quên