Các nhà khoa học cảnh báo về “đại dịch tiếp theo”
Các chuyên gia cảnh báo đại dịch lớn tiếp theo đang âm thần hình thành từ họ Paramyxovirus, trong đó có virus gây bệnh Nipah, tỷ lệ tử vong lên đến 75%.
Paramyxovirus là phân nhóm hơn 75 loại virus, gồm quai bị, sởi và nhiễm trùng đường hô hấp, đã được thêm vào danh sách mầm bệnh đại dịch cần theo dõi của Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIH) kể từ tháng 10.
Một trong số những virus nghiêm trọng là Nipah, lây truyền từ dơi sang người. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người nhiễm virus có tỷ lệ tử vong lên tới 40-75%. Triệu chứng nghiêm trọng như co giật, viêm não có thể dẫn đến hôn mê trong vòng 24-48 giờ.
Các nhà khoa học lưu ý, khác với cúm và Covid-19, vốn thay đổi hình dạng nhanh chóng, các paramyxovirus không biến chủng khi lây lan. Tuy nhiên, chúng lây truyền rất tốt giữa người với người.
Michael Norris, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Toronto, cho biết nếu một loại paramyxovirus mới xuất hiện, có khả năng lây lan cao như sởi và gây tử vong như Nipah, thế giới sẽ trải qua viễn cảnh tàn khốc.
Benhur Lee, nhà virus học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, cho biết hầu hết bệnh nhân nhiễm một trong số 75 loại paramyxovirus đều không thể sống sót. Điều này khiến việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị gần như bất khả thi.
Loại virus đầu tiên được phát hiện trong họ này vào năm 1902, có tên Rinderpest, gây bệnh dịch hạch gia súc, ảnh hưởng đến những loài vật móng chẻ. Bệnh được loại trừ vào năm 2011, trở thành căn bệnh thứ hai biến mất hoàn toàn sau đậu mùa.
Dù các nhà khoa học đã biết đến paramyxovirus trong hơn một thế kỷ, họ vẫn chưa hiểu cách thức virus di chuyển giữa các loài và đột biến để lây nhiễm sang người. Ví dụ, bệnh quai bị từ lâu chỉ lưu hành ở người và một số loài linh trưởng, song gần đây xuất hiện ở dơi. Ngoài ra, giới chuyên gia cũng chưa trả lời được câu hỏi vì sao paramyxovirus gây nhiễm trùng nhẹ ở một số người, song lại giết chết những người khác.
Theo Paul Duprex, nhà virus học tại Đại học Pittsburgh, rubulavirus, một trong những phân họ paramyxovirus gây quai bị, là mối lo trong tương lai. Ẩn họa khác là bệnh sởi, đang bùng phát mạnh mẽ trở lại sau hai năm đại dịch.
Trước mối đe dọa này, các chuyên gia cho rằng chính phủ các nước cần tập trung đầu tư tài trợ tiền của vào các chương trình nghiên cứu, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các nhà sinh vật học, động vật học, bác sĩ thú y cần chung tay theo dõi động vật và những người tương tác với động vật.
“Dập tắt các đợt bùng phát nhỏ lẻ giúp các chính phủ tiết kiệm chi phí hơn nhiều lần cố gắng kiểm soát các đại dịch lớn”, Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, cho hay.
Theo VNExpress
- Tinh thần Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
- Gần 4.400 trẻ em Việt Nam mồ côi sau đại dịch Covid-19
- Cả nước không còn bệnh nhân Covid-19 nặng