Chủ đề
Thay đổi giờ ăn giúp phòng ngừa tiểu đường, béo phì
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra giờ ăn có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn 80% lượng thức ăn hằng ngày trong khoảng thời gian từ sáng đến trước 13 giờ có thể cải thiện sự dao động của lượng đường trong máu và giảm tình trạng tăng đường huyết, theo tờ Daily Mail.
Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học từ Trường Y Grossman Đại học New York (Mỹ) dẫn đầu đã tuyển chọn 10 người béo phì có lượng đường trong máu cao tham gia nghiên cứu.
Những người tham gia được ăn theo 2 cách sau:
1. Ăn 80% lượng thức ăn hằng ngày trước 13 giờ.
2. Ăn chế độ ăn bình thường, với các bữa ăn rải đều từ sáng đến chiều tối.
Trong suốt quá trình nghiên cứu, những người tham gia được cung cấp đủ calo để duy trì cân nặng và được đeo máy theo dõi lượng đường trong máu.
Kết quả đã phát hiện ra rằng ăn 80% lượng thức ăn trong ngày trước 13 giờ có thể cải thiện sự dao động của lượng đường trong máu và ít bị tình trạng cao đường huyết hơn so với ăn bình thường.
Người dẫn đầu nghiên cứu, tiến sĩ Jose Aleman, bác sĩ chuyên khoa nội tiết, cho biết: Chỉ sau 1 tuần ăn theo cách này, những người tham gia đã có thể giảm thời gian bị lượng đường trong máu tăng cao, theo Daily Mail.
Tác giả chính, tiến sĩ Joanne Bruno cho biết: Nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng ăn 80% lượng thức ăn hằng ngày trong vòng 6 – 8 giờ đầu tiên trong ngày có thể cải thiện sự dao động của lượng đường trong máu, giảm thời gian lượng đường trong máu tăng cao và có khả năng chống tăng cân.
Cách ăn này đặc biệt hiệu quả đối với người bị tiền tiểu đường – vốn có nguy cơ phát triển thành tiểu đường cao gấp 15 lần.
Đây là tình trạng mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là bệnh tiểu đường và thường kèm theo thừa cân hoặc béo phì.
Kiểu ăn đặc biệt này có thể là chiến lược hiệu quả để phòng tránh bệnh tiểu đường. Nó ngăn ngừa những người bị tiền tiểu đường và béo phì tiến triển thành tiểu đường, tiến sĩ Bruno nhấn mạnh.
Thiên Lan
Theo Thanh Niên