Người từng lập kỷ lục thế giới thức trắng 11 ngày đêm giờ ra sao?
Từng lập kỷ lục thế giới vì thức 11 ngày đêm liên tiếp, ở tuổi ngoài 70, ông Randy Gardner gặp các vấn đề về giấc ngủ kéo dài, trằn trọc về đêm.
60 năm trước, Randy Gardner, khi ấy 17 tuổi, lập kỷ lục về thời gian không ngủ lâu nhất. Sau 11 ngày đêm thức trắng, ông cảm thấy buồn nôn, gắt gỏng và bắt đầu nói ngọng. Tuy nhiên, các vấn đề này tiếp diễn cho đến khi Gardner đã trưởng thành. Ở tuổi 67, ông chiến đấu với chứng mất ngủ trầm trọng nhiều thập kỷ.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2017, ông chia sẻ: “Tôi không thể ngủ được, trở thành người tồi tệ. Mọi thứ đều khiến tôi cảm thấy khó chịu”.
Năm 1963, Gardner tham gia một hội chợ khoa học ở San Diego, California. Mong muốn gây ấn tượng với ban giám khảo, ông quyết định thực hiện một thí nghiệm không ngủ trên chính mình.
Vào thời điểm đó, người nắm giữ kỷ lục thức lâu nhất là một DJ ở Hawaii. Người này không ngủ suốt 260 giờ liên tục. Gardner tin rằng mình có thể làm tốt hơn, quyết định nhờ hai người bạn là Bruce McAllister và Joe Marciano giám sát thử nghiệm cá nhân.
Cả ba đều muốn tìm hiểu điều gì xảy ra với não bộ con người khi họ không ngủ.
Bạn biết đấy, chúng tôi đều là những kẻ ngu ngốc và trẻ tuổi
Vài ngày đầu, mọi thứ khá dễ dàng, Gardner chỉ cần không nằm trên giường, cố gắng đứng và đi lại nhiều nhất có thể. Tuy nhiên đến ngày thứ ba, các triệu chứng bất thường bắt đầu xuất hiện. Ông cảm thấy buồn nôn, khứu giác suy giảm và bị ảo giác.
Đến ngày thứ 4 hoặc 5, mọi thứ cực kỳ khó khăn. Thật điên rồ, tôi chẳng nhớ được gì cả. Triệu chứng gần như Alzheimer giai đoạn đầu
Tuy nhiên, cả nhóm vẫn tiếp tục thử nghiệm. McAllister và Marciano thay nhau ngủ trưa để giúp để đánh thức Gardner khi cần thiết. Sau khi biết đến dự án của ba người, chuyên gia giấc ngủ William Dement đã liên lạc.
Ông Dement đến thăm Gardner trong những ngày cuối thử nghiệm để theo dõi sức khỏe tinh thần và thể chất của chàng trai, đồng thời giúp chống lại tình trạng sụp mí mắt.
Họ lái xe đi dạo bãi biển, chơi bóng bàn và bóng rổ, đến thăm nhà tù quận lúc 3h sáng và trò chuyện không ngừng nghỉ.
Đến một thời điểm, thứ hiếm hoi giữ Gardner tỉnh táo là nước tăng lực, nhạc mở lớn và tắm nước nóng lạnh thường xuyên. Hai người bạn kiểm tra sức khỏe tinh thần của Gardner 6 tiếng một lần.
Vào những đêm cuối cùng của hành trình lập kỷ lục, Gardner thay đổi tâm trạng, mất trí nhớ, nói ngọng và hoang tưởng. Ông cũng gặp khó khăn trong việc vận động, phối hợp, không thể đếm quá số 65.
Đến ngày 8/1/1964, sau 11 ngày 25 phút (264 giờ) thức trắng, ông đã vượt qua thử thách, trở thành người không ngủ lâu nhất thế giới. Ông dành vị trí đầu bảng ở hội chợ khoa học.
Kết quả sau khi tham gia thí nghiệm, xác lập kỷ lục thế giới của Randy Gardner
Gardner lập tức ngủ 14 tiếng 46 phút tại bệnh viện hải quân. “Khi tỉnh dậy, tôi choáng váng, nhưng không quá choáng váng”, ông kể lại.
Đêm hôm sau, ông ngủ khoảng 10 tiếng rưỡi. Sau đó, thói quen ngủ thức của ông trở lại bình thường.
Tuy nhiên, tâm trí của ông thay đổi mãi mãi. Kết quả quét não cho thấy Gardner đã “ngủ gật suốt thời gian qua”, tức là một phần não đang ngủ, các phần khác thức. Đây là lý do ông không tử vong trong quá trình thí nghiệm (một lợi ích tiến hóa của con người).
Đến đầu những năm 2000, ông bắt đầu gặp tình trạng mất ngủ.
Tôi nằm trên giường khoảng 5 đến 6 tiếng, ngủ 15 phút rồi lại thức dậy. Tôi nghĩ đây là hậu quả của việc thức liên tục 11 ngày. Mọi thứ thật kinh khủng, khó chịu. Tôi phải trả giá cho những gì mình làm 50 năm trước
Mọi thứ được cải thiện sau đó, song ở tuổi 78, Gardner vẫn không thể ngủ liền 6 tiếng mỗi đêm. Một số người cố gắng phá kỷ lục thế giới của Gardner, nhưng không trường hợp nào được công nhận kể từ năm 1997 vì những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe.
Craig Glenday, tổng biên tập Sách kỷ lục Guinness thế giới, khuyến nghị mọi người không nên làm điều này.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia, giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất. Người trưởng thành cần ngủ trung bình 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Thiếu ngủ có thể gây ra nhiều hậu quả như gà gật ban ngày, khó tập trung, khó làm nhiều việc cùng lúc, thay đổi tâm trạng, tăng cân, phản ứng chậm, thăng bằng kém.
Mất ngủ lâu dài có thể dẫn đến béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn sức khỏe tâm thần, suy giảm miễn dịch, huyết áp cao, theo Tổ chức Giấc ngủ Thế giới.
Theo VNExpress