Tuyệt đối không nên làm những việc này khi trẻ bị sốt xuất huyết - Doctor247

Tuyệt đối không nên làm những việc này khi trẻ bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Chăm sóc dinh dưỡng và hạ sốt là những yếu tố quan trọng cần thiết đối với người bệnh sốt xuất huyết.

Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 270 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết , 108 ca tử vong. Đây là thời điểm mùa mưa nên số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng lên. Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện gia tăng.

1. Sốt xuất huyết có nguy hiểm hay không?

 

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở nước ta. Bệnh lây truyền do muỗi vằn đốt người mắc bệnh và truyền virus Dengue sang cho người lành. Bệnh thường xảy ra quanh năm, tuy nhiên bệnh gặp nhiều nhất vào mùa mưa do đây là mùa sinh sôi nảy nở của muỗi.

Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết. Nếu gia đình có người mắc sốt xuất huyết mà điều trị không đúng rất dễ để lại những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. Chính vì vậy chúng ta cần tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm cho bản thân và gia đình.

Nhiều người cho rằng đã mắc sốt xuất huyết thì đã có miễn dịch và không mắc lại nữa, nhưng thực tế không phải như vậy.

Sốt xuất huyết là do virus Dengue gây ra và virus Dengue được phân loại thành 4 tuýp. Nên khi mọi người mắc sốt xuất huyết thì chỉ mắc 1 tuýp của virus Dengue thôi và sẽ có miễn dịch bền vững với tuýp đó. Tuy nhiên còn 3 tuýp virus Dengue khác chúng ta vẫn có thể mắc.

Chính vì vậy một người đã từng bị sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại. Trừ khi bạn mắc 4 lần sốt xuất huyết thì bạn sẽ không mắc lại nữa.

 

2. Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ

 

Trẻ mắc sốt xuất huyết sẽ trải qua 3 giai đoạn khác nhau:

Giai đoạn sốt: trong vòng 3-4 ngày đầu, bé đang khỏe mạnh bỗng đột ngột sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đau đầu, đau mỏi người, đau nhức mắt, có thể có hắt hơi, sổ mũi. Với những em bé nhỏ có thể có rối loạn tiêu hóa , chán ăn, buồn nôn, nôn,… Da em bé có thể đỏ hơn so với bình thường gọi là sung huyết. Đôi khi có những chấm xuất huyết nhỏ.

Một số biểu hiện của sốt xuất huyết giai đoạn này thường nhầm lẫn với các bệnh khác như cúm, sởi, Rubella, hoặc COVID-19.

Giai đoạn 2: Giai đoạn nguy hiểm, còn gọi là giai đoạn xuất huyết. Thường xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Ở giai đoạn này sốt bắt đầu giảm, có bé còn hạ nhiệt độ nhưng bé có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm. Cần theo dõi sát trẻ, có thể xuất huyết từ nhẹ đến nặng.

Xuất huyết ở giai đoạn này có thể chỉ là các nốt xuất huyết dưới da, niêm mạc, kèm theo đó em bé cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Nặng hơn nữa em bé có thể xuất huyết niêm mạc ví dụ như chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở bé gái lớn hơn đã dậy thì có thể bị rong kinh hoặc cường kinh. Nặng hơn nữa, em bé có thể bị xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết não. Khi bị xuất huyết tiêu hóa, trẻ có thể đi ngoài phân đen, có thể nôn ra máu,. Nguy hiểm hơn là xuất huyết não, trẻ có thể co giật, ngủ li bì,…

Chính do hiện tượng thoát dịch giai đoạn này mà làm cho em bé có thể bị cô đặc máu có thể dẫn đến tình trạng hạ huyết áp do giảm khối lượng tuần hoàn.

Khi bé bị sốt xuất huyết có dấu hiệu vật vã, kích thích hoặc li bì, nôn nhiều… kèm theo nôn nhiều hoặc đau bụng ngày một tăng lên mà không rõ nguyên nhân hay đau đầu dữ dội, gia đình cần cho em bé đi viện khẩn cấp.

Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục, thường vào ngày thứ 6-7 của bệnh, trẻ dần dần hồi phục, sẽ hết sốt, tiểu cầu và bạch cầu tăng. Tình trạng của em bé tốt dần lên.

My Châu 

Theo Ngành Y tế Hà Tĩnh

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận