Trầm cảm như vết dầu loang: nhận biết rồi mới có thể chữa lành - Doctor247

Trầm cảm như vết dầu loang: nhận biết rồi mới có thể chữa lành

Ngày 25/01/2024, Bệnh viện Dã chiến Covid-19 cuối cùng đóng cửa. Trong thâm tâm, tôi tin chắc chắn rằng sẽ không có một sự trở lại nào của Covid-19 nữa.
Nhưng đó không phải chủ đề của bài viết này.
Tôi muốn nói về một căn bệnh khác, không do vi sinh vật, nhưng cũng có thể lây và thành dịch.
“Thế giới này đang đưa con người hiện đại đi về đâu?” – Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Vòng luẩn quẩn lo lắng – hoảng loạn 
Hơn ba mươi năm trước, một cậu sinh viên trường Y không tìm thấy niềm vui trong cái ngành mình sẽ phải theo đuổi. Đi thi vì bị gia đình ép. Vào trường thì vỡ mộng vì cách học cũng chẳng khác gì cấp ba. Mà các đợt thi học trình, học phần triền miên như mưa Huế. Trước mặt lại có cửa ải thi chuyển giai đoạn vào cuối năm hai. Không qua giai đoạn thì phải xách gói về quê.
Một mình cậu sinh viên quê mùa đứng trước những bối rối của cuộc đời, không có một mentor nào. Nỗi lo lắng càng ngày càng lớn. Cái lo hoàn toàn không phù hợp với thực tế vì điểm số đạt được vẫn luôn ở hàng top. Nỗi lo lắng có khi biến thành cơn hoảng loạn (panic attack). Và cái gánh nặng tâm lý ấy lại bắt đầu ảnh hưởng đến sự tập trung bài vở. Cái vòng luẩn quẩn ấy bắt đầu hình thành.
Có một lúc nào đó, giữa đêm khuya, loáng thoáng trong đầu một ý nghĩ: Giờ mà mình chết đi thì chắc ai cũng thương mà mình cũng nhẹ nhàng thoải mái hơn nhiều.
Cái ý nghĩ đó một vài lần quay trở lại. Đột nhiên, chàng sinh viên cảnh giác với chính mình. Biết rằng mình đang có thể trượt vào một con dốc nguy hiểm.
Không biết cơ duyên nào mà cuốn sách Yoga của NXB Thể dục thể thao lại đến trong lúc ấy. Và nhờ Yoga, những cơn hoảng loạn, những cơn nhức đầu không biết lúc nào đã lặng lẽ ra đi. Từ đó, Yoga trở thành một bài tập không thể thiếu, mặc dù chỉ đọc sách mà làm theo. Còn nhớ, sau này, khi chuyển vào ký túc xá, cậu sinh viên còn làm hướng dẫn viên không chuyên cho một số bạn bè.
Chỉ từ khi vào nội trú, với chỗ ở dưới chân cầu thang trong bệnh viện và những cuộc gọi xuyên đêm của phòng cấp cứu thì thói quen yoga mới mất đi. Âu đó cũng là một sự đánh đổi đáng tiếc. Ra vậy. Người Y đi chăm sức khỏe cho tha nhân còn sức khỏe của chính mình lại để cho kiến tha.
Chứng trầm cảm như vết dầu loang
Quay trở lại câu chuyện ban đầu. Căn bệnh mà tôi muốn nói đến, chắc chắn, không có gì khác ngoài chứng trầm cảm. Nó đang âm thầm, như vết dầu loang, thấm hết người này, thấm đến người kia.
Trước, trong và đặc biệt là sau Covid, căn bệnh này có vẻ tăng tốc và ngày một trầm kha. Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì hiện trên thế giới có 970 triệu người đang mắc một trong những chứng bệnh tâm thần, trong đó, trầm cảm luôn chiếm hàng đầu.
Nghĩa là buổi sáng ra đường, ngược chiều bạn có tám người thì một trong số đó đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tôi không có cơ may như Gabor Gaté để có thể theo dõi, quan sát, chiêm nghiệm rất nhiều bệnh án khác nhau trong đời hành nghề. Nhưng với những gì thử lưu tâm, chỉ là xíu xiu, thì tôi tin vị bác sĩ Canada này.
Có những lúc tôi vẫn bần thần với câu hỏi rằng thế giới này đang đưa con người hiện đại đi về đâu? Đến một tương lai sung túc về vật chất và thừa mứa để hưởng thụ? Cái đó chắc chắn có. Nhưng nó có dẫn loài người di cư đến một miền hoang mạc của tâm trí hay không? Không biết.
Nhưng nếu những người đọc bài này, chỉ dừng lại 5 phút thôi, để chiêm nghiệm về chính con đường của mình thì chắc chắn sẽ không khỏi chột dạ. Rồi nhìn ra xung quanh, nhìn kỹ một chút, sẽ không khó để thấy rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè của mình đang trầm cảm.
Và không ít trong số đó, muốn chấm dứt cái trống rỗng của cuộc đời bằng một cách tiêu cực nhất: Tự tử. Cái logic nào của cuộc sống, của thành công lại dẫn con người ta đến những ý nghĩ và quyết định chấm dứt sinh mạng duy nhất, độc đáo nhất trong vũ trụ này như vậy?
Nhận biết rồi mới có thể chữa lành
Chắc chắn có cái gì đó rất sai. Những thước đo bên ngoài, những định nghĩa về thành công đã làm cho xa hội tiến bộ hơn. Chắc chắn. Không thể phủ định điều này. Nhưng một khi được đẩy đến mức cực đoan, nó trở thành liều thuốc độc cho tâm trí mỗi cá nhân, cho tâm trí cộng đồng và loài người.
Không lâu sau khi cảnh báo về văn hóa vật chất có nguy cơ hủy hoại xã hội, Jimmy Carter – vị tổng thống thứ 39 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, phải chịu thất bại trước ngôi sao Hollywood, Ronald Reagan. Tám năm của Reagan đã làm cho nước Mỹ nhảy vọt về kinh tế, vật chất, kỹ thuật. Nhưng tôi vẫn cứ ước gì…
Mà thôi. Reagan cũng đã mất vào năm 93 tuổi và trước đó rất lâu đã rơi vào căn bệnh Alzheimer. Còn Jimmy Carter sẽ đón sinh nhật lần thứ 100 này vào tháng 10 năm nay.
Nhìn xung quanh, mọi người sẽ thấy. Nhìn vào chính mình, mọi người sẽ thấy. Quá tải. Burn out. Buồn đó vui đó. Tràn trề năng lượng đó rồi trống rỗng đó. Không kịp dừng lại thì gia tốc càng ngày càng cao, con dốc càng ngày càng dựng đứng hơn, tải trọng xe càng ngày càng lớn.
Không tự nhiên mà từ khóa Chữa lành (Healing) đang trở thành trend và nhiều nhóm healing mọc lên như nấm. Tôi thì lại rất khá hoài nghi với đa số các nhóm này. Nhưng rồi người ta cũng kiếm được khá khẩm từ món này, không tiền mặt thì cũng là thứ khác, vật chất hoặc phi vật chất.
Xin không bàn rộng vì đây không phải chuyên môn của tôi. Nhưng nếu luôn giữ hành vi đà điểu, cố gắng phủ nhận thực tại là bản thân đang có vấn đề thì sẽ chỉ làm cho tình hình thêm tồi tệ. Nhận biết rồi mới có thể chữa lành.
Có nên đi khám và uống thuốc?
Có một người tối nay hỏi tôi: Chị có nên đi khám và uống thuốc không?
Tôi bảo nên đi khám để có chẩn đoán trước. Có chẩn đoán rồi mới biết uống thuốc hay dùng những biện pháp khác.
Chị bảo chị không thể nào ngồi yên được vì từ khi sinh ra đầu óc đã luôn suy nghĩ nên không hạp với mấy món yoga hay thiền. Tôi bảo, ai cũng vậy, cũng tâm viên ý mã cả (tâm như con vượn chuyền cành, ý như con ngựa chạy hoang). Nên phải học thôi.
Nhỏ thì học lật, học bò, học đi, học chạy, học đua tranh với người.
Còn khi lớn rồi thì học ngồi yên. Ngồi yên xuống với chính mình.
PGS.TS.BS LÊ MINH KHÔI
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận