‘Thời gian vàng’ đến bệnh viện để tránh bị liệt mặt
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết đã ứng dụng phối hợp đa kỹ thuật mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị liệt mặt hay liệt dây thần kinh số VII cho nhiều người bệnh.
Những hệ lụy nguy hiểm do đứt các nhánh lớn của dây thần kinh số 7
Bệnh nhân NVP, ở Hà Nội, không may bị tai nạn xe máy được chuyển đến Bệnh viện (BV) Việt Đức trong tình trạng có vết thương vùng má kèm chấn thương sọ não, hôn mê nên khó đánh giá tình trạng liệt mặt. Các bác sĩ Tạo hình thẩm mỹ – BV Việt Đức đã quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân và đưa kính hiển vi phẫu thuật vào thăm dò vết thương ngay trong mổ.
Các bác sĩ cho biết, quan sát dưới kính hiển vi phát hiện đứt các nhánh gò má, nhánh miệng kèm theo đứt cả ống tuyến nước bọt. Đây là 2 nhánh lớn của dây thần kinh số 7, nhánh gò má bị tổn thương sẽ gây ra hiện tượng không nhắm được mắt dẫn đến khô mắt, loét giác mạc ảnh hưởng đến thị lực sau này. Nhánh miệng tổn thương sẽ gây ra méo miệng rất khó ăn nhai và khó phát âm, ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ của người bệnh.
Một nguy hiểm thêm nữa là bệnh nhân còn bị tổn thương ống tuyến nước bọt. Nếu tổn thương này không được sửa chữa nước bọt sẽ rò ra má của bệnh nhân làm vết thương không thể liền được.
Do đó, các bác sĩ đã sử dụng kính hiển vi phóng to các thành phần thần kinh và ống tuyến, khâu nối bằng các sợi chỉ vi phẫu chỉ nhỏ bằng 1/10 sợi tóc. Tất cả các tổn thương đã được sửa chữa khâu nối sớm trước 72h ngay sau tai nạn.
Sau mổ vết thương của bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, không có hiện tượng rò nước bọt sau mổ. Các dây thần kinh bắt đầu có hoạt động trở lại sau 4 tháng và hồi phục gần như hoàn toàn.
Tuy nhiên, không được may mắn như bệnh nhân P., bệnh nhân TTL, 39 tuổi (quê ở Vũng Tàu), xuất hiện méo mồm liệt mặt sau khi ngủ dậy, từ cách 3 năm. Trong 2 năm đầu do tâm lý sợ phẫu thuật, bệnh nhân chỉ đi chữa bằng các biện pháp nội khoa, phục hồi chức năng, châm cứu thời gian dài nhưng không có hiệu quả. Sau đó gia đình động viên để bệnh nhân đồng ý phẫu thuật.
Tuy nhiên khi đi khám, các bác sĩ phải chỉ định mổ vi phẫu chuyển cơ và thần kinh từ nơi khác lên mặt để phục hồi cơ mặt. (Do bệnh nhân để lâu quá 2 năm, các cơ trên mặt bên liệt đã bị thoái hóa nên phương pháp khâu nối thần kinh như bệnh nhân NVP hoặc chuyển thần kinh sẽ không hiệu quả). Khó khăn ở đây là hầu hết các bác sĩ đều nói chị TTL phải mổ ít nhất 2 lần vi phẫu mới có hy vọng.
Sau khi tìm hiểu thông tin, bệnh nhân và gia đình nghe đã đến BV Việt Đức để thăm khám và điều trị. Tại đây, bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật chuyển thần kinh cơ 1 thì. Thay vì phải chờ đợi thần kinh mọc từ bên lành sang bên liệt, các bác sĩ đã sử dụng ngay nguồn thần kinh từ thần kinh cơ cắn (là nhánh của dây thần kinh 5 cùng bên và không bị liệt) để nối vào chi phối vận động cho phần cơ mới này.
Do khoảng cách từ dây thần kinh cơ cắn đến dây thần kinh 7 rất gần (chỉ cách khoảng 1cm) ngay trên một bên mặt nên sau khi nối tỷ lệ thành công sẽ cao hơn các phương pháp khác.
Chỉ sau khoảng 3,5 tháng là bệnh nhân đã có các biểu hiện phục hồi vận động cơ. Sau thời gian luyện tập phục hồi chức năng tiếp theo bệnh nhân cũng sẽ có được nụ cười và các hoạt động vận cơ khỏe hơn so với các phương pháp cũ.
Phối hợp đa kỹ thuật mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị liệt mặt hay liệt dây thần kinh số VII
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, BV Việt Đức cho biết việc triển khai kỹ thuật vi phẫu là kỹ thuật cao đòi hỏi phải có máy móc trang thiết bị hiện đại, cũng như điều kiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tương đối ổn định cho phép chịu đựng ca mổ kéo dài.
Với các bệnh nhân già yếu không mổ vi phẫu được, các bác sĩ của BV Việt Đức đã triển khai nhiều kỹ thuật ít phức tạp hơn. Đơn cử như kỹ thuật chuyển cơ thái dương một thì, nhanh chóng hiệu quả, tạo được sự cân đối của khuôn mặt và phục hồi được phần nào vận động của cơ vùng mặt cũng như nụ cười của người bệnh.
Việc quyết định phương pháp điều trị liệt mặt cũng như tiên lượng kết quả phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như là thời gian mắc bệnh. Với các vết thương do tai nạn, nếu bệnh nhân đến sớm và được mổ trước 72 tiếng, kết quả phục hồi sẽ rất tốt.
Trong các trường hợp liệt không rõ nguyên nhân hay do nhiễm trùng, virus hay do cắt bỏ các khối u gây ảnh hưởng đến thần kinh 7, nếu bệnh nhân đến sớm trước 12 – 24 tháng, việc điều trị sẽ đơn giản hơn.
Các bác sĩ chỉ cần chuyển một dây thần kinh từ nơi khác đến (ví dụ thần kinh cơ cắn, thần kinh lưỡi…) nối vào dây thần kinh bị bệnh, khi các cơ chi phối chưa bị thoái hóa nên khả năng hồi phục cao.
Nếu bệnh nhân đến muộn sau quá 24 tháng, việc mổ sẽ phải chuyển toàn bộ cơ và thần kinh từ nơi khác đến nên sẽ phức tạp hơn. Với việc cải tiến kỹ thuật sử dụng thần kinh cơ cắn tại BV Việt Đức cũng đã rút ngắn được số lần phẫu thuật và tăng tỷ lệ thành công cho loại bệnh lý phức tạp này.
Theo SK&ĐS