Sự tức giận ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ như thế nào?
Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc tức giận không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của chúng ta, mà còn ảnh hưởng đến tim, não, và đường tiêu hoá của chúng ta
Tức giận là cảm xúc bình thường mà ai trong chúng ta cũng đều đã trải qua, và có thể đang trải qua hằng ngày. Chúng ta có thể nảy sinh cảm xúc tiêu cực này khi một chiếc xe máy lái cắt mặt khi đang tham gia giao thông, hoặc khi sếp lại bắt chúng ta tăng ca. Tuy vậy, việc tức giận trong một khoảng thời gian dài và thường xuyên có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể của chúng ta.
Ảnh hưởng đến tim
Một nghiên cứu vào tháng 5 2024 của tạp chí American Heart Association (JAHA) đã chỉ ra việc tức giận có thể làm tăng nguy cơ gây đau tim bởi vì sự tức giận có thể làm suy kém sự tuần hoàn máu đến tim.
Các nhà khoa học nghiên cứu sự ảnh hưởng của ba cảm xúc tiêu cực đến tim mạch: tức giận, lo âu, và buồn bã. Trong thử nghiệm, ba nhóm người đã được chia ra. Từng nhóm sẽ thực hiện các hoạt động kích thích các cảm xức giận dữ, lo lắng và buồn. Sau thí nghiệm, các nhà khoa học đã quan sát các mạch máu trên những người được thí nghiệm và rút ra kết luận rằng khả năng tuần hoàn máu của nhóm người trải qua cảm xúc giận dữ có tình trạng tệ nhất trong các nhóm, vì các mạch máu giãn nở không đủ lớn.
Giáo sư dược Daichi Shimbo của đại học Columbia cho rằng nếu động mạch của chúng ta hứng chịu những xung chấn này theo thời gian vì sự tức giận liên tục, nguy cơ đau tim của chúng ta sẽ gia tăng rất nhiều.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá
Theo các bác sĩ, khi chúng ta tức giận cơ thể chúng ta sẽ sản sinh ra nhiều loại chất đạm và hoóc-môn khiến các cơ quan nội tạng có nguy cơ bị viêm, điều này có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ khôn lường.
Sự tức giận cũng sẽ kích hoạt hệ thần kinh giao cảm của chúng ta và chuyển lưu thông máu của chúng ta ra khỏi ruột và đến các nhóm cơ khác, theo Stephen Lupe, giám đốc y học hành vi tại khoa tiêu hóa, gan và dinh dưỡng của Phòng khám Cleveland. Điều này làm chậm đường tiêu hoá của ta và có thể dẫn đến táo bón.
Ảnh hưởng đến não
Theo Joyce Tam, trợ lý giáo sư về tâm thần học và khoa học hành vi tại Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago, cho biết: Sự tức giận có thể gây hại cho chức năng nhận thức của chúng ta. Nó liên quan đến các tế bào thần kinh ở vỏ não trước trán, là vùng phía trước não của chúng ta gây ảnh hưởng đến khả năng chú ý, kiểm soát nhận thức và điều chỉnh cảm xúc của chúng ta.
Theo cô, sự tức giận còn có thể khiến cơ thể giải phóng hormone căng thẳng vào máu, từ mức độ hormone căng thẳng cao có thể làm tổn thương các tế bào thần kinh vùng vỏ não trước trán. Tổn thương ở vùng não này có thể làm ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định, tập trung và điều hành cơ thể của chúng ta.
Phải làm gì để ngăn sự tức giận ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta?
1.Nhận thức liệu ta có đang tức giận quá thường xuyên
Theo Antonia Seligowski, trợ lý giáo sư tại bệnh viện Massachusetts và Trường Y Harvard, nếu chúng ta trải qua cảm giác tức giận đây đó rồi qua đi, thì đấy là phản ứng bình thường của một con người, nhưng nếu cảm giác tiêu cực từ sự tức giận của chúng ta bị kéo dài và ta cảm thấy các cơn tức giận đang ngày càng trở nên tiêu cực hơn, thì đấy là lúc chúng ta nên bắt đầu quan ngại về sức khoẻ.
2.Thử các bài tập cải thiện tinh thần
Nhiều bác sĩ khuyến khích ta nên tập các bài tập kiểm soát cơn giận, ví dụ như thôi miên, thiền định, hay hít thở đều mỗi khi trải qua cảm giác giận dữ. Dần dà điều này có thể thay đổi cách chúng ta phản ứng với cảm xúc giận.
3.Tập phản ứng chậm lại
Hãy thử cảm nhận cảm xúc của chính mình và chậm lại trước khi phản ứng trước một tình huống có thể làm chúng ta khó chịu, và tìm cách thể hiện sự không hài lòng của chúng ta một cách chậm rãi và dễ chịu hơn. Chúng ta cũng cần phải để ý không “nhịn” để cảm xúc tiêu cực này ứ đọng vì nó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực hơn tới cơ thể.
Ví dụ, thay vì nổi đoá và lớn tiếng với các thành viên trong gia đình, ta có thể thử truyền đạt sự bất hài lòng của mình một cách nhẹ nhàng và chậm rãi để mọi người trong gia đình có thể thấu hiểu và cũng giúp ta có thể thể hiện ra được nỗi lòng.
An Bùi dịch – Theo WSJ