Phụ nữ Việt tự tin làm giàu từ 200 ngàn trong túi hay những chiếc quần jeans cũ
Phụ nữ Việt liệu có tự tin làm kinh tế? Trong nhiều năm, chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức đã đồng hành cùng phụ nữ Việt, hỗ trợ chị em tự tin làm kinh tế, vượt qua khó khăn, bệnh tật và thực hiện ước mơ.
Cô gái trẻ tái sinh hành trình mới cho jeans cũ
Cô gái trẻ Bùi Thị Kim Ngân với đam mê của mình đã mở ra dự án “Tái chế quần jeans” biến những chiếc quần jeans cũ. Những trang phục đã qua sử dụng này thay vì vào quên lãng có thể tái sinh trong một hành trình mới, trở thành những sản phẩm sáng tạo và hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp sống xanh đến nhiều người hơn.
Không chỉ vậy, những sản phẩm xinh xắn này còn giúp chị Ngân có được một nguồn thu nhập ổn định và những giải thưởng đáng nhớ trong đời.
Chia sẻ tại sự kiện “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, để đạt được kết quả khiến nhiều người đáng khâm phục này Ngân không khỏi xúc động khi nhìn lại hành trình 10 năm “giải cứu jeans cũ” của mình – từ thời điểm 2013, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất:
“Khi đó Ngân vừa trải qua 27 ngày nằm viện điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Tác dụng phụ của thuốc khiến Ngân gặp rất nhiều vấn đề, không bắt nhịp ngay lại với cuộc sống được. Ngân làm bạn với chiếc máy may nhỏ và làm chiếc túi jean đầu tiên từ yếm bầu của chị gái. Chiếc túi đó em gái Ngân dùng để đi học.
Chiến dịch “giải cứu jeans cũ” đó thực ra chính là Ngân đang giải cứu chính mình. Khi đó Ngân trầm cảm, sức khoẻ và tâm lý đều bất ổn. Ngân nghĩ mình phải làm gì đó. Và may mắn là Ngân tìm được “Tái chế quần jeans”.”
Dự án bắt đầu phi lợi nhuận. Khi đó, chị Ngân đổi 6 chiếc quần jeans cũ lấy 1 chiếc túi tote size đựng lap. Rất nhiều người cho rằng chị làm điều vô nghĩa, nhưng thực ra điều này đã khiến chị lấy lại niềm vui.
“Có rất nhiều người gửi đồ qua đặt; có những món đồ 10-15 năm tuổi thậm chí 20-30 năm tuổi vẫn thơm tho. Chứng tỏ dự án của Ngân có ý nghĩa. Mãi sau này 2019 khi chuẩn bị tâm lý và số tiền nhất định, Ngân mới bắt đầu thương mại sản phẩm tái chế.
Khi đó Ngân đã học rất nhiều kiến thức về kinh doanh và marketing (chủ yếu là tự học tự đúc kết). Lúc này Tái chế quần jeans giúp Ngân có thêm 1 điều để yêu nữa – là kinh doanh. Ngân có thêm đồng nghiệp, có thêm bạn bè, có thêm khách hàng. Ngân được gặp nhiều người và được nghe nhiều câu chuyện hơn. Ngân được thể hiện bản thân, được sống ý nghĩa hơn” – chị Ngân chia sẻ.
Chương trình “Khi phụ nữ làm chủ” năm 2023 đã mở ra cho chị Ngân nhiều cơ hội, đặc biệt là cơ hội được gặp nhiều chị em phụ nữ giỏi, mạnh mẽ, thông minh, giàu nghị lực. Từ các buổi workshop, chị đã tiếp thu được nhiều kiến thức tuyệt vời từ các HLV là những người thầy trong lĩnh vực của họ.
“Ngân học được bức tranh toàn cảnh về marketing, học được các kiến thức cơ bản về sàn TMĐT, học cách xây dựng thương hiệu cá nhân, cách livestream bán hàng thực chiến… Ngân nhận được rất nhiều lời khuyên hữu ích từ BGK để Tái chế quần jeans phát triển và đi đường dài. Ngân đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của ekip, của nhãn hàng.
Sau chương trình Ngân và dự án của mình được biết đến nhiều hơn, khách hàng tin tưởng và đơn hàng phát sinh nhiều hơn. Giải thưởng giúp Ngân mở rộng xưởng, mua thêm máy, sửa cửa hàng… Những kiến thức Ngân nhận được từ chương trình được Ngân áp dụng vào mô hình của mình rất hữu ích.”
Mặc dù dự án “Tái chế quần jeans” đã có những đóng góp tích cực cho môi trường, xã hội, tuy nhiên, chị Ngân vẫn rất khiêm tốn khi nhìn nhận các nỗ lực của mình:
“Ngân không dám nhận mình đang làm việc bảo vệ môi trường. Vì mọi quá trình sản xuất và tiêu dùng đều sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Ngân và các cộng sự đang làm công việc mình yêu thích và hạn chế rác thải ra môi trường thôi. Thật may mắn dự án phát triển, nhiều người biết đến và có nhiều chiếc quần áo cũ được giải cứu hơn. Và mọi người cũng có cái nhìn thiện cảm hơn với thời trang tái chế, tái sử dụng.
Thói quen tiêu dùng không thể thay đổi sớm chiều. Nhưng Ngân và các cộng sự hi vọng dự án “Tái chế quần jeans” sẽ lan toả để nhiều người biết đến: tái sử dụng các chất liệu có sẵn thay vì sản xuất mới sẽ góp phần giảm rác thải ra môi trường.”
Người phụ nữ dân tộc trở thành giám đốc hợp tác xã nông nghiệp vùng cao
“Nói về khởi nghiệp thì bản thân mình là trang giấy trắng về tất cả mọi mặt, từ công nghệ thông tin, từ hợp tác xã… mình đã thất bại rất nhiều. Mình đã từng nghĩ sao không có một lớp học khởi nghiệp nào cho chị em phụ nữ, không mất tiền mà vẫn được tiền nhỉ. Điều đó đã trở thành sự thật. Từ năm 2022, mình đã bắt đầu tham gia những lớp khởi nghiệp trên địa bàn. Thực sự cảm thấy mình như được cứu sống.”
Đây là những chia sẻ hết sức chân thành, mộc mạc đến từ chị Hoàng Bích Ngọc giám đốc hợp tác xã (HTX) do phụ nữ làm chủ đầu tiên của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, HTX Nà Pái. Dù chỉ bắt đầu chưa lâu nhưng HTX của chị đã mang đến cuộc sống ấm no cho phụ nữ dân tộc, phụ nữ nghèo thiểu số tại một trong những vùng núi nghèo khó khăn nhất của tỉnh Lạng Sơn.
“Mình đã tham gia các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh. Trong các cuộc thi, mình cũng biết sẽ không được giải cao. Nhưng ở đó mình biết có rất nhiều chuyên gia giỏi và đó là điều bản thân mình rất muốn học.
Mình cẩn thận ghi từng quyển vở, xin từng tờ giấy trắng A1, A0 để làm bài tập. Đến năm 2023, mình được tham gia lớp phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế của thầy Vũ Hoà, đó là một bước ngoặt mới của em. Một người bị hoả hoạn, dịch tả châu Phi kèm theo con cái ốm đau, trầm cảm phải vào viện điều trị… ”
Ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất, chị Ngọc dấn bước thay đổi cuộc đời của chính mình cũng như nhiều người phụ nữ nơi đây.
“Mình không có một đồng tiền trong tay và các chị trong Hội phụ nữ tỉnh Lạng Sơn nói với mình: “Ngọc ơi ra tập huấn để thi Ý tưởng khởi nghiệp”. Mình có hỏi rằng: “Chị ơi, có cho em tiền ăn trước được không?” vì em chỉ có 200 ngàn đồng trong túi. Các chị bảo có chỗ ăn chỗ ngủ, em cứ ra đi.” Đây là bước ngoặt khiến mình tự tin hơn với dự án “nuôi vịt đầu xanh thả suối”.
Đây là dự án đầu tiên của hợp tác xã nông lâm nghiệp thôn Nà Pái, hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên do phụ nữ làm chủ tại một huyện nghèo và khó khăn của tỉnh Lạng Sơn. Sau khi mình làm thì nhiều người đã phản đối, nói “còn lâu mới làm được”, “làm hợp tác xã khó lắm” nhưng mình đã chứng minh cho họ rằng em đã làm được điều đó…”
Sau đó, chị Hoàng Bích Ngọc may mắn có cơ hội tham gia chương trình “Khi phụ nữ làm chủ” của VTV. Dù một lần nữa đối mặt với sự bàn tán, nghi ngờ của mọi người cũng như lo lắng, nhưng chị đã vượt qua tất cả để thay đổi và trở thành người đầu tiên đi vào vòng trong cùng của chương trình.
“Lần đầu tiên xuống Hà Nội, mình thấy đài to quá. Khi bước chân vào, mình còn thấy sợ hơn. Những công nghệ kỹ thuật lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến, những từ chuyên môn mình chưa từng được nghe qua. Mình có nói với anh chị ở đó: “Các anh chị có thể nói sang tiếng Việt Nam được không? Cái này em chưa làm bao giờ.”
Với sự nhiệt tình và hỗ trợ của mọi người đã chứng minh, dù mình là một người dân tộc, một người nông dân, một người chỉ có cái nải và mặc bộ quần áo trên mình, làn da đen sạm và những vết chai tay vẫn có thể tự tin toả sáng.” – những chia sẻ của người phụ nữ miền núi chân chất đã khiến nhiều người được truyền thêm động lực.
Đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm ở HTX của chị Ngọc đã có doanh thu hiện tại lên đến 182 triệu/tháng cho tất cả các sản phẩm. Cùng với đó cũng là những tác động tích cực về môi trường khi dự án được triển khai:
“Ngày trước, dòng suối của thôn rất bẩn do rác từ tứ xứ đổ về. Tuy nhiên, sau khi dự án được triển khai, dòng suối luôn được dọn sạch và các chị em cũng có trách nhiệm trong việc bảo vệ nó. Mình cảm thấy may mắn vì mình có cơ hội để có một cuộc sống xanh. Những cánh rừng không bị phá hủy, những dòng suối sẽ luôn được giữ xanh mát không rác thải. Từ đó tác động của biến đổi khí hậu sẽ giảm thiểu, cuộc sống người dân sẽ tốt hơn.
Mình mong những nỗ lực của mình có thể đóng góp 1 phần vào bức tranh toàn cảnh của việc thay đổi tích cực đến môi trường của Việt Nam.
“Nông dân à, dân tộc à, không sao cả. Hãy vượt lên tất cả và mình sẽ làm được.”
Theo Phạm Trang/Tổ quốc