Chủ đề
Nữ sinh viên bị thoát vị đĩa đệm do tập gym sai cách
Đ.T.M.T (21 tuổi), sinh viên nữ một trường ĐH TP.HCM, thường xuyên tập gym hơn 1 năm nay. Gần đây T. cảm thấy đau lưng sau các động tác liên quan đến nâng tạ, đi khám được bác sĩ chẩn đoán thoát vị đĩa đệm nhưng không xử trí.
Thoát vị đĩa đệm do tập gym sai cách
Gần đây, tình trạng đau gia tăng nên T. đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM (Bệnh viện 1A) để thăm khám. Bệnh nhân bị đau thắt lưng lan xuống mông và hai chân, tê bì hai chân, cúi ngửa đau, không thể ngồi lâu khi học tập do đau mỏi, cũng không thể tham gia hoạt động thể thao vui chơi.
Ngày 19.5, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng đơn vị hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, cho biết kết hợp với các tư thế khám lâm sàng đặc biệt cho thấy khung chậu xoay trước, lệch hông, thay đổi đường cong sinh lý cột sống cổ và thắt lưng.
Sau 3 buổi điều trị cân chỉnh cơ xương khớp, bệnh nhân đã thấy đỡ hẳn, có thể ngồi học giảng đường bớt đau mỏi, các sinh hoạt trong cuộc sống dễ dàng hơn và có sinh lực hơn.
Tương tự, bệnh nhân nam N.H.Đ (56 tuổi) có thói quen tự tập gym gần 10 năm với tần suất thường xuyên cùng các bài tập khó và nặng như gánh tạ, dumb bell. Sau mỗi buổi tập, ông Đ. cảm thấy đau vùng lưng, cổ và tự đi mua thuốc uống vì nghĩ đau cơ sau khi tập luyện. Đầu năm 2023, ông Đ. đi khám đi khám tại một phòng khám vật lý trị liệu ở TP.HCM, được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng. Sau một thời gian điều trị, việc cải thiện về bệnh lý chậm và không khả quan.
Tháng 5.2023, ông Đ. đau âm ỉ vùng cổ và cơn tê xuất hiện càng nhiều, vùng thắt lưng đau tăng dần lan xuống mông, dẫn đến sinh hoạt khó khăn do tê bì vùng chân và tay. Do quá bất tiện trong sinh hoạt nên ông Đ. đến Bệnh viện 1A điều trị bằng phương pháp hiệu chỉnh cơ xương khớp.
Bác sĩ Calvin cho biết, qua thăm khám thấy “lưng phẳng” mất đường cong sinh lý cột sống ngực và thắt lưng, khung chậu xoay sau và bất đối xứng, các cơ vùng lưng căng cứng, đau ê ẩm vùng cổ vai gáy thắt lưng. Sau buổi tập điều trị đầu tiên, bệnh nhân chưa cảm nhận nhiều do cường độ tập gym trước đó cao. Nhưng bắt đầu buổi điều trị thứ 3, bệnh nhân đã cảm nhận sự thay đổi rõ rệt các cơ vùng thắt lưng so với trước đó, kèm theo đau nhức giảm dần, cảm thấy thoải mái hơn trong sinh hoạt và làm việc, có năng lượng hơn.
Trẻ hóa bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm
Theo bác sĩ Calvin, các thống kê cũ trước đây cho thấy bệnh thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên. Nguyên nhân thường do quá trình lão hóa, thoái hóa diễn ra kết hợp với thời gian dài làm việc, lao động quá sức, mang vác nặng, dẫn đến đĩa đệm và cột sống bị tổn thương.
Ngày nay tuổi tác của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thậm chí rất trẻ do xu hướng tính chất lao động và sinh hoạt thay đổi: làm văn phòng, sử dụng máy tính, điện thoại ngồi nhiều, đứng nhiều, các thói quen sai tư thế lâu này và lười vận động. Nhưng nếu vận động quá mức liên tục và sai cách cũng là nguyên nhân mới dẫn đến bệnh lý thoát vị đĩa đệm và ngày càng phổ biến.
My Châu
Theo thanhnien