5 sự kiện đáng chú ý nhất về y tế, sức khỏe năm 2023
Báo Tuổi Trẻ Online nhìn lại những sự kiện y tế – sức khỏe được chú ý nhiều trong năm vừa qua.
1 – Quyết định chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B
Sau hơn ba năm bùng phát, từ ngày 20-10-2023, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất đề xuất của Bộ Y tế chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
Song song đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định sửa đổi phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình 4 ngày (thay vì 14 ngày), thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm 8 ngày (thay vì 28 ngày). Đây chính là căn cứ để Việt Nam công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Trước đó, vào ngày 1-4-2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra tại Việt Nam. Lúc bấy giờ tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam phòng, chống dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A ở quy mô quốc gia, trong điều kiện chưa có tiền lệ và kéo dài.
2 – Bệnh viện dã chiến cuối cùng tại Việt Nam khép lại sứ mệnh lịch sử
Đó là Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Đây được xem là dấu tích cuối cùng về dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam, là chứng nhân lịch sử và cũng sẽ khép lại vai trò lịch sử của mình sau đại dịch.
Trong lúc dầu sôi lửa bỏng chống dịch COVID-19, tháng 7-2021 Bệnh viện dã chiến số 13 là một trong ba trung tâm hồi sức tích cực, gồm Trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7); Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại quận Tân Phú; Trung tâm hồi sức Bệnh viện Việt Đức đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh).
Ba trung tâm có quy mô 1.500 giường, đội ngũ nhân viên y tế gồng mình đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch trong bối cảnh số ca mắc và tử vong ở TP.HCM ngày một tăng cao.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu UBND TP ban hành quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến số 13 này. Tại Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã đề xuất chuyển bệnh viện dã chiến chữa COVID-19 lớn nhất Hà Nội thành địa điểm khám chữa bệnh thông thường.
3 – Việt Nam trở thành điểm sáng ghép tạng của châu Á
Ghi dấu ấn đậm nét trong nhiều ca ghép tạng năm 2023 đó là ca ghép đa tạng gồm tim và thận cho một bệnh nhân mắc suy tim – thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ngày 15-2.
Ca ghép kéo dài 10 tiếng đồng hồ và chỉ sau 8 ngày, các chức năng tim và thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường. Đây được đánh giá là ca ghép đồng thời tim và thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó từng có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan – thận; tụy – thận.
Từ ca ghép thành công này, chỉ sau ít ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) phối hợp thực hiện ca ghép tạng xuyên Việt, mang quả tim của người hiến từ TP.HCM ra sân bay về Hà Nội. Với sự tham gia của hơn 40 y bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, chỉ sau 8 giờ ghép, trái tim của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận.
4 – Nhức nhối cơn khát thuốc, vật tư y tế, vắc xin tiêm chủng mở rộng
Cơn khát vắc xin tiêm chủng mở rộng bắt đầu từ đầu năm 2023 và kéo dài đến cuối năm chưa chấm dứt, do đến ngày 30-12 bước thứ 9 trong 9 bước để có thể đấu thầu mua sắm vắc xin mới xong. Trong khi tại nhiều địa phương, vắc xin đã hết sạch từ lâu, tỉ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ trong 10 tháng đầu 2023 giảm còn trên 66%, trong khi yêu cầu là trên 75%.
Ngoài vắc xin, thuốc, vật tư y tế cũng thiếu thốn, người bệnh phải tự mua thay vì được bảo hiểm y tế chi trả.
Tình trạng này kéo dài từ cuối năm 2022 đến tận cuối năm 2023, hiện các bộ ngành chức năng đang bàn xây dựng thông tư chi trả cho người bệnh đã mua thuốc, vật tư (trong danh mục bảo hiểm y tế) vì bệnh viện không có, nhưng cách làm này được cho là nhiêu khê, khó cho người bệnh.
Hiện đã có những điểm sáng le lói khi một số bệnh viện cũng đã gỡ khó, mua sắm được thiết bị y tế, vật tư, thuốc, như Bạch Mai mới mua 3 dàn máy chụp cộng hưởng từ, 7 dàn phẫu thuật nội soi…, nhưng trên phạm vi rộng thì chưa cải thiện được nhiều.
Với vắc xin, bà Dương Thị Hồng – phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) kiêm trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia – cam kết hiện tượng thiếu vắc xin như năm 2023 sẽ không lặp lại, các vắc xin sẽ sớm được mua và cấp phát ngay đến địa phương. Riêng vắc xin 5 trong 1 từ nguồn viện trợ đã được cấp từ cuối tháng 12-2023.
5 – Nhiều văn bản gỡ vướng “ba báo giá”, kẹt vật tư thiết bị ở bệnh viện
Mở đầu cho việc “cởi trói” này là việc Chính phủ vừa ban hành nghị định 07 sửa đổi, bổ sung nghị định 98 và nghị quyết 30 sửa đổi nghị quyết 144.
Trong đó, nghị quyết 30 được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành ngày 4-3-2023 được cho là tháo gỡ “điểm nghẽn” từng rất nhiều lần được kiến nghị thời gian qua và là quyết định được mong đợi của nhiều cơ sở y tế cả nước, như bỏ thời hạn thanh toán bảo hiểm y tế với máy mượn, máy đặt; cho phép thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu.
Nghị quyết cũng cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, thay đổi này trong nghị quyết 30 không còn yêu cầu tham khảo “3 báo giá”, các bệnh viện được phép xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu theo quy định.
Trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối cung cấp báo giá, bệnh viện được sử dụng các báo giá đã nhận làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Đây là cơ sở để các bệnh viện ổn định được hoạt động khám chữa bệnh trong năm 2023, sau khi gặp khó khăn do dịch COVID-19 và nhiều chính sách làm “bó tay, bó chân”.
Theo Tuổi Trẻ