Nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng nhanh, nguy hiểm
Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TPHCM có xu hướng gia tăng. Không chỉ các bệnh chưa có vaccine dự phòng, mà những bệnh đã có vaccine cũng ghi nhận số ca mắc cao.
Mắc bệnh vì không tiêm vaccine
Mới đây, ngành y tế thành phố TPHCM ghi nhận hai trẻ (13 và 15 tháng tuổi, cư trú tại phường Tân Tạo và Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) mắc bệnh sởi. Cả hai trẻ đều sốt trước khi phát ban vài ngày kèm theo các triệu chứng viêm hô hấp. Hiện cả hai đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Theo ThS-BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, ngay sau khi ghi nhận thông tin về 2 ca bệnh này, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Bình Tân điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu, xác định 2 trẻ chưa được tiêm phòng vaccine phòng sởi và chưa phát hiện mối liên quan giữa hai trường hợp này cũng như chưa phát hiện thêm ca bệnh mới tại nơi trẻ sinh sống và đi học.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng thời gian qua đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ; nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. Tính đến hết tháng 4-2024, tỷ lệ trẻ đủ 18 tháng tiêm đủ 2 mũi sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%. Mức bao phủ này chưa đạt chỉ tiêu của TPHCM đề ra là trên 95%. “Phụ huynh cần đưa con đến các trạm y tế để tiêm vaccine. Bởi, hai liều vaccine phòng sởi mang lại hiệu quả ngăn ngừa bệnh sởi đến 97%. Trẻ em sẽ được tiêm chủng miễn phí 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế”, bác sĩ Lê Hồng Nga khuyến cáo.
Trong tuần qua, TPHCM ghi nhận bệnh nhi H.A. (3 tuổi, ngụ quận 8) bị viêm phổi nặng do cúm A/H1. Bệnh nhi được bệnh viện địa phương chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi và suy hô hấp cấp tiến triển nặng do cúm A/H1 và đang được điều trị tích cực.
Tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng nhanh
Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, trong 19 tuần đầu năm 2024, tại 20 tỉnh, thành khu vực phía nam ghi nhận 13.495 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đã có 1 ca tử vong. Tại TPHCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận 4.471 ca mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Số ca bệnh nặng (từ độ 2b trở lên) là 40 ca; không có ca tử vong.
Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, nhiều năm nay TPHCM là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 3.300 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có những quận huyện có số ca mắc cao như quận Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, năm nay dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn so với năm 2023. Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, trong đó có các bệnh như sởi, ho gà, cúm gia cầm…
Ngành y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức trong phòng bệnh, như: đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; súc miệng, họng bằng nước súc miệng… Đồng thời, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…
Theo SGGP
Mới đây, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành vaccine Qdenga phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết do Tập đoàn Dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam. Dự kiến vaccine Qdenga sẽ có tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước từ tháng 9-2024. Vaccine này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia.