Nắng nóng kéo dài, Bộ Y tế khuyên người làm việc ngoài trời phải chú ý điều này
Nắng nóng có thể gây ra căng thẳng nhiệt, ảnh hưởng tới cả người làm việc ngoài trời lẫn trong nhà, Bộ Y tế đã có lời khuyên về việc này.
Nhân Ngày thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28-4), bà Chihoko Asada-Miyakawa – giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) – nhấn mạnh những đợt nắng nóng khắc nghiệt, chất lượng không khí tồi tệ ảnh hưởng lớn đến người lao động.
Nắng nóng ảnh hưởng cả người làm trong nhà
Bà chỉ rõ căng thẳng nhiệt (heat stress) khi nhiệt độ tăng cao là thách thức với người lao động, bao gồm người làm việc ngoài trời trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, đánh bắt thủy sản, vận tải. Họ dễ bị tổn thương, mắc bệnh say nắng…
Người làm trong nhà máy, khu chế biến thực phẩm, lò gạch hoặc kho hàng có nguy cơ tiếp xúc nguồn nhiệt, không gian thông gió kém.
Bà Chihoko Asada-Miyakawa khuyến cáo khi thời tiết quá nóng, doanh nghiệp có thể cho người lao động ngừng làm việc mà không trừ lương, cắt việc.
Với việc chất lượng không khí kém ở các thành phố, những người thường xuyên làm việc ngoài trời như tài xế giao hàng, người bán hàng rong cần trang bị bảo hộ bất cứ khi nào có thể.
Chuyên gia ILO dẫn lại nghiên cứu gần đây của Viện toàn cầu về lao động thuộc Đại học Cornell cho thấy nắng nóng và lũ lụt có thể khiến ngành may mặc thiệt hại 65 tỉ USD xuất khẩu và 950.000 việc làm vào năm 2030.
Cũng theo vị này, một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan đã ban hành luật, hướng dẫn giải quyết vấn đề nhiệt độ nóng quá mức ở nơi làm việc song việc bảo vệ người lao động còn hạn chế.
Do đó, bà cho rằng cần nâng cao nhận thức, năng lực phòng ngừa tác động của nắng nóng với người lao động, tăng cường đào tạo quản lý căng thẳng nhiệt, tổ chức công đoàn nêu cao vai trò đấu tranh, đảm bảo tiếng nói cho người lao động cũng như thúc đẩy nơi làm việc an toàn vệ sinh lao động…
Sơ cứu, phòng tránh nắng nóng cho người lao động thế nào?
Theo Bộ Y tế, người lao động có thể gặp phải say nắng, say nóng, đột quỵ do tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao, thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Mức độ nhẹ gồm các triệu chứng như mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút. Lúc này, nạn nhân cần được chuyển vào chỗ mát, thoáng gió và nới lỏng, cởi bớt quần áo bên ngoài.
Sau đó nạn nhân có thể được lau cơ thể bằng khăn mát, nước mát rồi lau khô hoặc đặt khăn thấm nước mát, nước đá tại nách, bẹn, hai bên cổ.
Nếu nạn nhân uống được nước thì cho uống từng ngụm nhỏ, tốt nhất là nước bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha theo hướng dẫn sử dụng.
Nạn nhân bị chuột rút cần được xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút và không để nhiều người vây quanh. Sau 10 – 15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.
Mức độ nặng sẽ có triệu chứng yếu, đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn, nôn, liệt nửa người, co giật, ngất xỉu, hôn mê, tim đập nhanh, huyết áp tụt, thậm chí là tử vong.
Việc cần thiết là gọi cấp cứu 115 hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất
Bộ Y tế khuyến cáo người lao động làm trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên ra ngoài trời nắng đột ngột. Để bảo vệ sức khỏe, mọi người cần tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, có món canh trong bữa ăn, uống tối thiểu 1-2 lít nước/ngày song chia nhiều lần, mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi…
Theo Tuổi Trẻ