Nắng nóng, dễ bị nhầm lẫn giữa đột quỵ và say nắng
Nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ là điều cần thiết để bảo vệ sinh mạng của mỗi chúng ta.
Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, theo Kimberly Holmes, Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tại bang Delaware, một số thói quen trong mùa hè có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vị chuyên gia này cũng cho biết việc nhận biết dấu hiệu của đột quỵ vào mùa hè cũng sẽ khó khăn hơn do có một số triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với sốc nhiệt, say nắng.
Nhận biết dấu hiệu của đột quỵ
Trước hết, chúng ta cần biết được các dấu hiệu của đột quỵ, đó là:
– Đột ngột bị tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay, chân, đặc biệt nếu triệu chứng xuất hiện ở 1 bên cơ thể
– Đột ngột gặp khó khăn khi nói hoặc bị nhầm lẫn
– Khó nhìn một hoặc cả 2 bên mắt
– Đột ngột gặp khó khăn khi đi lại, bị chóng mặt hoặc mất thăng bằng
– Đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân
“Thật không may, nhiều người bỏ qua các các triệu chứng của đột quỵ vì họ lầm tưởng đó chỉ là các vấn đề tạm thời. Ví dụ, nhiều người cho rằng triệu chứng tê bì 1 bên tay chỉ là do tư thế nằm ngủ hoặc đau đầu chỉ là vấn đề có nguyên nhân khác. Những lầm tưởng này khiến cho tình trạng bệnh có thể trầm trọng hơn. Do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng kể trên, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức”, bà Holmes cho biết.
Đột quỵ và say nắng là 2 tình trạng hoàn toàn khác nhau. Đột quỵ xảy ra khi lượng máu lên não bị thiếu, trong khi say nắng xảy ra khi cơ thể quá nóng nhưng không được hạ nhiệt đúng cách. Cả hai tình trạng đều có thể nghiêm trọng và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Mùa hè và nguy cơ đột quỵ
Chế độ ăn uống làm gia tăng nguy cơ đột quỵ
Vào mùa hè, nhiều người thích các bữa tiệc nướng hoặc hoạt động ngoài trời, kéo theo đó là việc tiêu thụ đồ uống có cồn. Thói quen uống bia để giải khát mùa hè cũng rất phổ biến.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc sử dụng đồ uống có cồn có liên quan mật thiết tới nguy cơ đột quỵ. Không những thế, dùng đồ uống có cồn có thể gây khó khăn hơn cho việc nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ.
Mất nước có thể gây đột quỵ
Nhiệt độ cao trong mùa hè thường khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Trong những ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao, cơ thể mất nước qua hơi thở. Mất nước khiến cho máu đặc hơn và nguy cơ bị đột quỵ sẽ cao hơn.
Việc đổ nhiều mồ hôi cũng có thể gây rối loạn về đông cầm máu và gây đột quỵ.
Các bệnh lý nền trong mùa hè và đột quỵ
Đột quỵ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân bao gồm huyết áp cao, tắc nghẽn động mạch, đái tháo đường và các vấn đề với mạch máu trong não. Những yếu tố này có thể trở nên trầm trọng hơn trong thời tiết nắng nóng.
Vào mùa hè, nhiệt độ cao sẽ khiến tim đập nhanh hơn kéo theo đó là tăng huyết áp.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc hạ thân nhiệt sẽ khó hơn so với người bình thường. Chính vì thế, họ dễ bị sốc nhiệt, kiệt sức hơn. Bệnh nhân mắc đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với những người không mắc căn bệnh này.
Nhiệt độ càng cao, tình trạng đột quỵ càng nghiêm trọng
Sự thay đổi nhiệt độ hàng ngày có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của đột quỵ. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho thấy mỗi 5 độ C tăng thêm trong phạm vi nhiệt độ trung bình của 3 ngày, mức độ nghiêm trọng của đột quỵ sẽ tăng khoảng 67%. Nghiên cứu này phân tích dữ liệu từ 9.249 bệnh nhân bị đột quỵ trong các mùa hè năm 2016, 2017 và 2018 tại Hàn Quốc.
Tiến sĩ Min Kyoung Kang, trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích sự thay đổi về nhiệt độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh điều chỉnh nhịp tim, huyết áp và nhịp thở, gây ra nhịp tim không đều, lưu lượng máu trong não suy giảm. Cuối cùng, não sẽ bị tổn thương và dẫn tới đột quỵ dễ hơn.
Làm thế nào để giảm nguy cơ đột quỵ vào mùa hè?
Để giảm nguy cơ đột quỵ vào mùa hè, mọi người nên lưu ý những điều sau đây:
– Tiêu thụ đồ uống có cồn và các loại thực phẩm nhiều muối ở mức độ vừa phải.
– Bổ sung đủ nước cho cơ thể, đặc biệt khi tham gia các hoạt động ngoài trời nắng.
– Những người có các bệnh lý nền như huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cần kiểm soát các chỉ số bệnh và duy trì uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
My Châu
Theo Soha