Lợi ích khi người bệnh tiểu đường tập thể dục thường xuyên - Doctor247

Lợi ích khi người bệnh tiểu đường tập thể dục thường xuyên

Bài tập sức mạnh như nâng tạ, đẩy tạ, kéo dây kháng lực giúp đốt cháy lượng đường trong máu, thúc đẩy giảm cân và phòng ngừa biến chứng tiểu đường.

Tập thể dục thường xuyên có lợi trong quản lý bệnh tiểu đường, hỗ kiểm soát đường huyết và tăng cường sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu năm 2023 của Trường Đại học Y Stanford, Mỹ, cho thấy 186 người mắc tiểu đường type 2 tập luyện sức mạnh có mức đường huyết cải thiện nhiều hơn so với người chỉ thực hiện bài tập nhịp điệu nhẹ nhàng. Các nhà nghiên cứu cho rằng khi kết hợp hai hình thức tập luyện này, hiệu quả kiểm soát bệnh tốt hơn.

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến nghị người bệnh tiểu đường type 2 nên dành ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải hoặc 75 phút tập thể dục cường độ cao mỗi tuần.

Người bệnh lớn tuổi nên tập thể dục ít nhất 2-3 lần mỗi tuần. Hỏi ý kiến bác sĩ để xác định loại hình và thời lượng vận động phù hợp.

Dưới đây là lý do người bệnh tiểu đường nên tập luyện sức mạnh thường xuyên.

Đốt cháy lượng đường trong máu

Trong lúc tập luyện, cơ thể sử dụng glycogen dự trữ trong cơ làm nhiên liệu. Khi lượng glycogen cơ bắp dự trữ này cạn kiệt, cơ thể bắt đầu huy động thêm glycogen từ gan và máu. Điều này trực tiếp làm giảm lượng đường trong máu và giảm lượng glycogen dự trữ trong cơ và gan, giúp đường huyết ổn định hơn.

Cải thiện lưu trữ glucose

Cơ bắp đóng vai trò là nơi lưu trữ lượng đường và carbohydrate tiêu thụ. Khi cơ bắp được tập luyện có khả năng dự trữ đường huyết dưới dạng glycogen cao hơn, giúp hạ đường huyết, cơ thể quản lý glucose dễ dàng.

Thúc đẩy giảm cân

Theo Hệ thống Y tế Johns Hopkins, Mỹ, người thừa cân chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể cũng có thể cải thiện mức A1C (đường huyết trung bình trong ba tháng). Ngoài đốt cháy calo trong quá trình tập, rèn luyện sức mạnh còn thúc đẩy quá trình giảm mỡ, tăng khối lượng cơ nạc.

Giảm mỡ có hại

Mỡ nội tạng hình thành trong và xung quanh các cơ quan nội tạng, làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin và khiến khó quản lý đường huyết. Các tế bào mỡ nội tạng còn sản xuất ra các hóa chất và hormone ngăn cản cơ thể sử dụng hiệu quả insulin.

Theo nghiên cứu năm 2013 của Trường Đại học Blaise Pascal, Pháp và một số đơn vị, 100 người mắc hội chứng chuyển hóa tập luyện sức mạnh cường độ cao kết hợp luyện sức bền trong ba tuần giảm mỡ nội tạng và kháng insulin.

Bài tập nâng tạ. Ảnh: Freepik

Bài tập nâng tạ. Ảnh: Freepik

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Bệnh tiểu đường type 2 là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến phát triển bệnh tim, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. Rèn luyện sức mạnh làm tăng mức cholesterol tốt (HDL), giảm mức cholesterol xấu (LDL) và hạ huyết áp cao, nhờ đó giảm khả năng mắc bệnh tim ở người tiểu đường.

Tăng mật độ xương

Phân tích năm 2016 của Hệ thống Phòng khám Mayo, Mỹ, dựa trên 12 nghiên cứu, cho thấy người bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ gãy xương cao hơn người không mắc bệnh. Các bài tập sức mạnh (tư thế đứng) tạo sức mạnh cho xương chân, cột sống và hông làm giảm nguy cơ gãy xương.

Ngăn mất cơ

Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, bệnh tiểu đường type 2 là yếu tố nguy cơ dẫn đến suy giảm nhanh chóng sức mạnh cơ bắp. Thoái hóa cơ nghiêm trọng do tuổi tác (thiểu cơ) có thể làm người bệnh tăng nguy cơ té ngã, chấn thương và tử vong sớm. Rèn luyện thể lực trực tiếp giúp chống lại tình trạng mất cơ bắp.

Giảm khả năng mắc bệnh thần kinh và mất thị lực

Đường huyết cao mạn tính ở người bệnh tiểu đường khiến phân tử glucose bám vào các tế bào hồng cầu ngăn lưu lượng máu khỏe mạnh đến nhiều nơi trong cơ thể, nhất là nơi có mạch máu nhỏ. Mắt và dây thần kinh bàn tay, bàn chân đều có những mạch máu nhỏ.

Khi những khu vực này không nhận được lượng máu cần thiết, bệnh thần kinh ngoại biên và bệnh võng mạc tiểu đường có thể xảy ra. Tập luyện sức mạnh góp phần cải thiện lưu lượng máu và giảm khả năng xảy ra các biến chứng này.

Theo VNE

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận