Giảm chất lượng cuộc sống bởi bệnh viêm mũi dị ứng - Doctor247

Giảm chất lượng cuộc sống bởi bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh thường gặp nhất ở người lớn. Theo một thống kê thực hiện tại Hoa Kỳ, hiện nay đây là bệnh mạn tính phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và đứng hàng thứ năm trong số bệnh mạn tính thường gặp trong dân số.
Viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm chất lượng cuộc sống người bệnh và làm tổn thất 2 – 4 tỷ đô la Mỹ hàng năm do mất năng suất lao động, do nghỉ việc và phải nghỉ học.

Một số khía cạnh của bệnh viêm mũi dị ứng

Định nghĩa

Viêm mũi dị ứng là thuật ngữ dùng để chỉ một tình trạng viêm do phản ứng của niêm mạc mũi với vật lạ, đặc trưng bởi nghẹt mũi, chảy nước mũi (mũi nước), nhảy mũi và / hoặc ngứa mũi. Có nhiều chất có thể là dị nguyên đối với một số cơ địa nhạy cảm, đặc biệt như lông súc vật hoặc phấn hoa.

Phân loại

Bệnh viêm mũi dị ứng có thể được phân chia theo:

• Thời gian xuất hiện triệu chứng tiếp xúc với dị nguyên, chẳng hạn như theo mùa (phấn hoa), quanh năm (mạt nhà) hoặc theo đợt (môi trường tiếp xúc thường không gặp trong môi trường sống của bệnh nhân, ví dụ: Thăm nhà có nuôi thú cưng).

• Tần số triệu chứng.

• Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Ở các nước ôn đới (thời tiết trong năm được phân làm 4 mùa rõ ràng), bệnh viêm mũi dị ứng thường được phân loại thành theo mùa hoặc quanh năm. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng hệ thống phân loại này có những hạn chế. Thứ nhất, vì thời gian của mùa phấn hoa phụ thuộc vào vị trí địa lý và tình trạng khí hậu. Khi mùa phấn hoa kéo dài suốt cả năm, như ở các vùng nhiệt đới, có thể rất khó dựa vào bệnh sử để phân biệt các triệu chứng dị ứng do tiếp xúc phấn hoa với các triệu chứng do tiếp xúc với các dị nguyên có quanh năm (như mạt bụi nhà). Riêng nấm mốc là dị nguyên có thể xuất hiện theo mùa lẫn quanh năm. Hơn nữa, người ta nhận thấy rằng nhiều bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng quanh năm có triệu chứng trầm trọng hơn khi tiếp xúc với phấn hoa theo mùa và nhiều bệnh nhân bị nhạy cảm với cùng lúc nhiều loại kháng nguyên (phấn hoa, mạt bụi nhà,…). Do đó, việc phân chia như thế trở nên khó khăn và chưa rõ ràng.

Ngày nay, viêm mũi dị ứng được phân chia các triệu chứng của bệnh nhân theo tần suất và mức độ nghiêm trọng, giúp bác sĩ và cả người bệnh dễ dàng xác định bệnh và có lựa chọn điều trị thích hợp hơn. Mức độ nghiêm trọng của viêm mũi dị ứng có thể được phân loại là nhẹ (khi có các triệu chứng nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống) hoặc nghiêm trọng hơn (khi các triệu chứng đủ nặng để ảnh hưởng chất lượng cuộc sống). Các yếu tố có thể dẫn tới một phân loại nặng hơn bao gồm bệnh hen tiến triển; rối loạn giấc ngủ; suy giảm hoạt động hàng ngày, giải trí, và / hoặc thể thao và nghỉ việc hay nghỉ học.

Chẩn đoán viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng được chẩn đoán chủ yếu dựa trên việc hỏi bệnh sử (với các triệu chứng đặc trưng của bệnh như: ngứa mũi, ngứa mắt, nhảy mũi, nghẹt mũi và chảy nước mũi) và khám lâm sàng (với niêm mạc mũi phù nề, tái nhợt, dịch mũi trong loãng, đỏ mắt, chảy nước mắt,…). Các bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng cần được khám và ghi nhận thật cẩn thận các bệnh kèm theo như hen suyễn, viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, viêm xoang, viêm tai giữa, hội chứng rối loạn thở khi ngủ, ngưng thở lúc ngủ… vì đó là các bệnh lý thường kèm theo bệnh viêm mũi dị ứng.

Điều trị viêm mũi dị ứng

Tuỳ theo loại bệnh viêm mũi dị ứng (dai dẳng hay từng đợt), tuỳ theo tình trạng bệnh (nhẹ, vừa hay nặng) mà bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng đơn độc (một loại thuốc) hoặc phối hợp.

Phòng ngừa viêm mũi dị ứng

Các phòng chống bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả nhất chính là kiểm soát môi trường, có nghĩa là tránh để cho các bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng tiếp xúc với các dị nguyên. Tuy vậy, đó là các biện pháp đắt tiền, khó thực hiện, không hiệu quả và thậm chí không thể thực hiện được vì nhiều bệnh nhân bị dị ứng với nhiều loại dị nguyên. Thí dụ: một bệnh nhân dị ứng với lông thú nuôi thì lý tưởng nhất là tránh tiếp xúc với dị nguyên đó (không nuôi mèo, chó, tránh để thú nuôi vào nơi ngủ, sinh hoạt ở nhà, chí ít phải tắm mèo, chó mỗi tuần 2 lần), các trường hợp viêm mũi dị ứng với mạt bụi nhà thì ngoài dùng một số vải trải giường hạn chế sự phát triển dân số mạt bụi nhà trên giường, việc giặt giũ giường định kỳ, dùng máy hút bụi cường độ mạnh (HEPA) cần được thực hiện đồng bộ.

Tuy vậy, để giảm bớt tần suất mắc bệnh, giảm bớt độ nặng của bệnh viêm mũi dị ứng, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường sức đề kháng, tránh để mắc các bệnh đường hô hấp trên, vì các bệnh này nếu đã xảy ra sẽ là yếu tố thuận lợi làm tình trạng dị ứng khởi phát hay phát triển nặng hơn.

– Giữ ấm: Vào mùa lạnh bệnh nhân cần phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khu vực vùng cổ, ngực và mũi, không nên tắm nước lạnh. Đối với những người phải làm việc quá khuya, dậy quá sớm, cần lưu ý vì thời điểm này dễ bị cảm và dễ chuyển thành viêm mũi xoang. Tránh hít phải luồng không khí lạnh, khô một cách đột ngột, hoặc để mũi tiếp xúc trực tiếp với luồng gió máy lạnh, điều hòa, đều có thể làm tổn thương, làm khô niêm mạc mũi xoang. Tập thể dục, chơi thể thao giúp tăng cường sức đề kháng.

– Bảo vệ mũi khỏi các tác nhân gây kích ứng: Trong môi trường sinh sống, môi trường nơi làm việc thường có nhiều những tác nhân xấu, gây kích ứng niêm mạc mũi như: bụi, khí thải, vi khuẩn, nấm mốc, khói thuốc lá, hóa chất,… cần tránh và hạn chế sự xâm nhập của các yếu tố này bằng cách sử dụng khẩu trang hoạt tính khi làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm, khi đi ra đường.

My Châu

Theo suckhoeonline

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận