Chuẩn bị công bố hết dịch COVID-19, không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A
Dịch COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A và có thể công bố hết dịch, Bộ Y tế kiến nghị các biện pháp để chuẩn bị cho việc này.
Chiều 3-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính – trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 – chủ trì phiên họp lần thứ 20 trực tuyến tới các địa phương.
Nhắc lại khuyến cáo của WHO, Thủ tướng cho rằng chúng ta vẫn không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục duy trì năng lực quốc gia, các thành tựu đã đạt được và chuẩn bị cho những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai.
Chuẩn bị công bố hết dịch COVID-19
Đồng thời cần đưa tiêm chủng vắc xin COVID-19 vào tiêm chủng quốc gia, thêm các mũi tăng cường, nhất là nhóm nguy cơ cao; phát hiện sớm các biến thể mới. Nâng cao năng lực điều trị giảm ca tử vong, mức độ lây truyền, chuẩn bị sẵn sàng vắc xin, phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài.
Ông cũng nhấn mạnh việc tiếp tục các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vắc xin và tìm hiểu các tình trạng liên quan hậu COVID-19. Giám sát chặt chẽ trong bối cảnh ca nhiễm tăng lên, sẵn sàng nâng cao năng lực chăm sóc đặc biệt để đảm bảo khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải.
Trên tinh thần đó, phiên họp này nhằm đánh giá tình hình, xem xét công bố hết dịch, kiện toàn Ban chỉ đạo phù hợp tình hình mới. Quyết định các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đóng góp ý kiến để kiểm soát dịch bệnh bền vững, có khả năng ứng phó khi dịch xảy ra…
Báo cáo của Bộ Y tế cho hay từ đầu năm 2023 đến ngày 29-5, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc. Trung bình hằng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc, giảm 8,5 lần so với năm 2021, giảm 48 lần so với năm 2022. Có 20 ca tử vong do COVID-19, tỉ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02%, đều là trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, hoặc chưa tiêm vắc xin.
Bộ Y tế đánh giá tỉ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Trên thế giới, ngày 5-5 WHO công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu (PHEIC), nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.
Vì sao COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A?
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã nghiên cứu, đánh giá phân loại bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bởi đối chiếu với các quy định, bệnh COVID-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Lý do là số ca mắc hiện nay đã giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022. Thêm nữa, tỉ lệ tử vong do COVID-19 trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh xuống còn 0,02% so với tỉ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%.
Như vậy mức này tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B đang được ghi nhận tại Việt Nam. Bộ Y tế khẳng định bệnh COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Về công bố dịch và hết dịch COVID-19, Bộ Y tế cho hay thời điểm COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, bộ đã tham mưu để Thủ tướng công bố dịch theo quyết định 447.
Vì vậy khi dịch COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, không thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng, nên quyết định 447 không còn phù hợp. Vì vậy, Bộ Y tế báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xem xét ban hành quyết định công bố hết hiệu lực của quyết định 447.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện việc đánh giá tình hình dịch tại địa phương đối với bệnh nhóm B và công bố hết dịch COVID-19 khi có đủ điều kiện.
Bao gồm: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày; đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Để chuẩn bị việc điều chỉnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 xem xét, cho ý kiến đến việc chuyển nhóm dịch bệnh truyền nhiễm, công bố dịch và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Hoàn thiện kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch và bãi bỏ một số văn bản không còn phù hợp.
Ngọc An
Theo Tuổi Trẻ Online