Bị mụn trứng cá dù đã ngoài 30, nguyên nhân do đâu?
Dù đã qua giai đoạn dậy thì nhưng nhiều chị em phụ nữ vẫn phải đối mặt với nỗi ám ảnh mang tên mụn trứng cá.
Mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành phần lớn là mụn nội tiết. Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy, khoảng 50% phụ nữ trong độ tuổi 20-29 và 25% phụ nữ trong độ tuổi 40-49 bị mụn trứng cá. Phụ nữ dễ bị nổi mụn trước và sau sinh, tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt. Đây là những giai đoạn cơ thể có thay đổi nhất định khiến nội tiết tố rối loạn, hình thành mụn nội tiết.
Thông thường, mụn nội tiết thường mọc quanh hàm dưới, cằm, cổ, thương tổn chủ yếu là mụn mủ, mụn nang và dạng nhân comedone nhưng ít gặp hơn. Một số dấu hiệu khác có thể đi kèm cho thấy tình trạng mụn do nội tiết như rậm lông, tăng tiết bã, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, dậy thì sớm.
Mụn nội tiết hình thành do các tuyến dầu trên da nhạy cảm với nhóm hormone androgen. Androgen thúc đẩy sự tăng sinh dầu nhờn trên da và gây mụn trứng cá. Cả nam và nữ đều có mức độ androgen tăng lên trong tuổi dậy thì. Một số phụ nữ nhạy cảm với androgen hơn những người khác và độ nhạy cảm với hormone cũng thay đổi khi chúng ta già đi.
Những phụ nữ có làn da nhờn, dễ nổi mụn trong độ tuổi 20 và 30 vẫn tiếp tục bị mụn cả sau khi mãn kinh. Đôi khi, thói quen sống có thể làm trầm trọng hơn tình trạng mụn nội tiết. Việc sử dụng nhiều sản phẩm chăm sóc da có thể gây kích ứng, dẫn đến mẩn đỏ và thường “kích hoạt” nguy cơ gây mụn trứng cá.
Có nhiều cách giúp điều trị và ngăn ngừa mụn nội tiết.
Trước hết, nên đơn giản hóa quy trình chăm sóc da. Trên mạng xã hội như Tiktok có nhiều người chia sẻ các quy trình chăm sóc da phức tạp, với một danh sách dài các sản phẩm. Song, việc chăm sóc da không đúng cách, lạm dụng quá nhiều sản phẩm có thể gây kích ứng và làm cho mụn trứng cá trở nên tồi tệ hơn. Do đó, mọi người chỉ nên chăm sóc da với các sản phẩm cơ bản như: sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng.
Hiện có nhiều sản phẩm không kê đơn có tác dụng điều trị mụn trứng cá, song người bệnh không nên áp dụng nhiều phương pháp điều trị cùng một lúc. Có thể bắt đầu bằng cách dùng sản phẩm kem dưỡng da có chứa axit salicylic 2% trong vài tuần, xem da có cải thiện không. Các hoạt chất trị mụn cũng thường được sử dụng bao gồm: benzoyl peroxide; adapalene, hoặc gel Differin, acid azelaic, acid beta hydroxy…
Nếu tình trạng da mụn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, làm giảm sự tự tin, người bệnh nên đến gặp bác sĩ da liễu và lên kế hoạch điều trị bệnh dứt điểm.
Hà An
Theo VnExpress.net