Phân biệt trầm cảm, lo âu với tâm thần phân liệt - Doctor247

Phân biệt trầm cảm, lo âu với tâm thần phân liệt

Nhiều người vẫn hiểu nhầm rằng bị bệnh về tâm thần tức là bị tâm thần phân liệt. Trong khi đó, lo âu, trầm cảm cũng là vấn đề rối loạn tâm thần.

Thông tin trên được TS-BS Lại Đức Trường, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết trong hội thảo tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ở TP HCM, do WHO hỗ trợ tổ chức ngày 28-6.

Nhiều người nhầm lẫn trầm cảm, lo âu với tâm thần phân liệt - Ảnh 1.
TS-BS Lại Đức Trường, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo.

TS Trường nhận định tất cả người dân đều cần phải nâng cao sức khỏe tâm thần. Theo thống kê trên thế giới, cứ 8 người thì có 1 người rối loạn tâm thần. Trong khi đó, trong 300 người mới có 1 người mắc tâm thần phân liệt. 

Rối loạn tâm thần bao gồm rối loạn trong suy nghĩ, tình cảm và hành vi. Trong đó, trầm cảm và lo âu là 2 loại rối loạn phổ biến nhất. Năm 2020, do COVID-19, tỉ lệ trầm cảm và lo âu tăng lần lượt 28% và 26% so với trước.

Nhiều người nhầm lẫn trầm cảm, lo âu với tâm thần phân liệt - Ảnh 2.
TS Lại Đức Trường nhận định tất cả người dân đều cần nâng cao sức khỏe tâm thần.

Tại Việt Nam, tâm thần phân liệt chỉ chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số nhưng trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần, lạm dụng rượu chiếm 5-10%. Số liệu cũng cho thấy khoảng 13-14% dân số Việt Nam gặp các vấn đề về rối loạn tâm thần, bao gồm rối loạn trong suy nghĩ, tình cảm và hành vi. Trong đó, trầm cảm và lo âu phổ biến nhất. 

Thống kê cho thấy khoảng 90% người bệnh có các vấn đề về rối loạn tâm thần chưa được tiếp cận điều trị một cách chính thức. Một số trường hợp được chẩn đoán thành suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh…

Về nhân lực, nước ta có 0,99 bác sĩ tâm thần/100.000 dân; 2,89 điều dưỡng tâm thần/100.000 dân, 0,11 tư vấn tâm lý/100.000 dân. Trong khi đó, các tỉ lệ tương ứng trung bình của thế giới lần lượt là 1,7 – 3,8 – 1,4 trên 100.000 dân.

“Chuyên ngành tâm thần tại Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi, hạn chế. Bệnh viện chuyên về tâm thần nhiều nơi còn yếu hơn rất nhiều so với trung tâm y tế quận, huyện. Nếu ở Úc, lương bác sĩ tâm thần cao gấp đôi chuyên ngành khác thì ở Việt Nam, không ai muốn theo đuổi chuyên khoa này vì thu nhập thấp” – TS Trường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khoảng cách điều trị òn lớn, tâm lý trị liệu còn hạn chế vì bác sĩ chuyên khoa tâm thần chủ yếu tập trung ở các thành phố. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ, trẻ em… thiếu trầm trọng. Vì vậy, TS Trường khuyến nghị cần bảo đảm tăng cường các dịch vụ toàn diện như thuốc, tư vấn tâm lý, phục hồi chức năng, dịch vụ cho các rối loạn tâm thần thường gặp.

Theo Người Lao Động

 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận