Chủ đề
Nên uống nhiều nước hay ít nước thì tốt?
Có người nói rằng, uống nước nhiều sẽ đi tiểu nhiều, vì nước làm tăng gánh nặng cho thận, nên không tốt. Người khác lại nói: uống ít nước có hại cho sức khỏe. Sự thật là gì?
Uống nhiều nước có tốt không? Cách uống nước thế nào cho đúng? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời.
Một số người cho rằng, nước đào thải qua thận, uống nhiều nước sẽ tăng gánh nặng cho thận, nên sẽ có hại cho thận theo thời gian.
Quan niệm ấy hoàn toàn sai lầm!
Nước là nguồn sống, tất cả các loài động vật trên cạn đều phải đối mặt với nguy cơ mất nước, nên cơ thể không được phép xả một lượng nước lớn mất kiểm soát. Bởi vậy, thượng đế sinh ra con người và các loài động vật, đã ban cho quả thận vô cùng quý giá.
Thận có 2 chức năng chính: một là giữ đủ nước cho cơ thể, hai là bài tiết các chất chuyển hoá.
Làm thế nào để thực hiện được hai nhiệm vụ ấy?
Cơ chế hoạt động của thận là: đầu tiên, máu từ động mạch đến cầu thận, tại đây lọc ra một lượng lớn nước tiểu có thành phần rất giống với huyết tương. Khi nước tiểu thô này chảy qua ống thận uốn hình chữ U, một số lượng lớn bao gồm nước, đường, các ion sẽ được hấp thu trở lại. Phần còn lại chính là nước tiểu cuối cùng, bao gồm một lượng nước dư thừa do cơ thể không cần đến, cùng với các chất chuyển hoá như ure, acid uric, cùng với nhiều chất khác.
Để điều chỉnh lượng nước tái hấp thu ở thận, cơ thể tiết ra một loại hormone ADH chống bài niệu, ADH giúp thận giữ nước, tăng cường tái hấp thu và giảm bài tiết nước tiểu.
Khi bạn uống đủ nước, cơ thể đánh giá không có nguy cơ thiếu nước, thì sẽ giảm tiết hormone bài niệu ADH, thận sẽ không phải quá vất vả để làm công việc giữ nước. Khi bạn uống ít nước, cơ thể phát hiện nguy cơ thiếu nước nên phải tăng tiết ADH, thận phải làm việc cật lực để giữ nước ở lại. Làm việc nhiều quá, thì thận sẽ bị giảm dần, hậu quả cuối cùng là suy thận.
Biểu hiện sớm nhất của suy thận là đi tiểu nhiều vào ban đêm.
Bởi vì, chức năng cô đặc nước tiểu của thận giảm, ban ngày hoạt động nhiều ra mồ hôi nên đi tiểu ít, nhưng ban đêm thận không giữ được nước sẽ đi tiểu sẽ nhiều. Dấu hiệu đi tiểu nhiều ban đêm là biểu hiện sớm của suy thận không phải ai cũng biết. Nhiều người đột nhiên đi tiểu nhiều ban đêm. Đàn bà thì nghĩ viêm đường tiết niệu. Đàn ông nghĩ đến tiền liệt tuyến phì đại. Đi khám đều không phải. Xét nghiệm ure và creatinin không tăng, nên không nghĩ đến suy thận, thực chất là thận bắt đầu bị suy.
Vậy 2 điều bạn cần nhớ là: uống nhiều nước sẽ giảm tải cho thận và bảo vệ thận; uống ít nước tăng gánh cho thận và là nguyên nhân gây suy thận.
Uống nhiều nước để không bị sỏi thận.
Ngay cả khi bạn đang bị sỏi thận hoặc sỏi niệu quản, xin chúc mừng, vì bài viết này sẽ cứu bạn, làm cho viên sỏi không tăng lên về kích thước và số lượng, thậm chí nước đẩy viên sỏi ra ngoài. Điểm quan trọng: hầu hết bệnh nhân sỏi thận đều không thích uống nước! Nước tiểu bị cô đặc lâu ngày, khiến các chất hoà tan quá bão hoà, rồi lắng đọng với canxi để tạo thành sỏi.
Nếu bạn lấy nước tiểu của người uống ít nước, soi trên kính hiển vi, sẽ thấy những hạt hoặc những tinh thể. Siêu âm cũng thấy rất rõ, nước tiểu trong bàng quang lởn vởn đục, thậm chí quan sát thấy tinh thể lấp lánh trôi nổi, những thứ này kết tinh dần lại thành sỏi sẽ làm bạn rất đau.
Với người đã bị sỏi thận hay sỏi niệu quản, uống nước nhiều, phân tử nước xuyên qua viên sỏi, nước tạo áp lực đẩy sỏi bật ra ngoài, chưa kể nước cũng hoà tan các chất để không bị lắng đọng thêm.
Một lợi ích khác là uống nhiều nước để không bị gút.
Bệnh gút là do axit uric sinh ra quá nhiều trong quá trình chuyển hoá purin, độ hoà tan của axit uric trong máu không cao, người uống ít nước thường có dung dịch bão hòa axit uric, khi máu chảy đến tứ chi, nhiệt độ giảm và dung dịch bão hòa của axit uric cô đặc thành những tinh thể sắc cạnh, hay những viên sỏi, chúng ở trong bao hoạt dịch hoặc quanh khớp, nó như mũi dao đâm vào thịt nên đau khủng khiếp.
Để giảm axit uric, một là ăn ít thực phẩm chứa purin như hải sản, bia, nội tạng động vật… vân vân và mây mây hãy tra google trước khi ăn, hai là tăng cường đào thải axit uric bằng uống thật nhiều nước.
Uống nhiều nước bạn sẽ ngày càng tránh xa táo bón
Mọi tế bào trong cơ thể đều khát nước.
Khi bạn uống không đủ nước, cơ thể sẽ ưu tiên lượng nước khan hiếm dồn cho những nơi quan trọng hơn như tim, não, phổi chẳng hạn. Và có những nơi phải thiệt thòi. Đó chính là đường ruột, nước ở đây sẽ được điều động đi nơi khác, vậy chất nhầy bôi trơn trong niêm mạc ruột không đủ, phân trong đại tràng di chuyển khó khăn, táo bón sẽ xảy ra.
Khi đã bị táo bón, phân sẽ tích tụ trong đại tràng của bạn, thời gian trôn qua, lượng nước trong phân càng bị niêm mạc ruột hấp thu để chuyển nước đi nơi khác, dần dần phân vón cục như phân dê, thậm chí cứng như đá.
Bệnh nhân táo bón bao giờ cũng phải uống nhiều nước.
Với người táo bón, nên uống lượng nước nhiều hơn bình thường, khoảng 3000 – 4000mL mỗi ngày. Cách uống cũng phải chú ý. Không uống mỗi lần một ít, mà uống hẳn cốc to 250mL để nước nhanh chóng xuống đại tràng. Khi uống cũng không ngửa cổ tu ừng ực. Mà phải uống một ngụm to, nuốt xong lại làm ngụm khác, rồi lại nuốt, như vậy để kích thích nhu động thực quản thành từng làn sóng, làn sóng đó cũng chuyển xuống ống tiêu hoá phía dưới, như dạ dày, ruột non, đại tràng, tạo phản xạ tống phân ra ngoài.
Uống nhiều nước mang lại nhiều lợi ích khác cho cơ thể.
Hàng ngày bác sĩ vẫn khuyên, nếu bạn bị cảm lạnh hãy uống nhiều nước, bạn bị sốt virus hãy uống nhiều nước, bạn bị đau bụng hãy uống nhiều nước, ngay cả khi bạn bị chóng mặt bác sĩ cũng khuyên uống nhiều nước. Rất nhiều tác dụng của uống nước, tôi viết ra những lời giải thích sẽ quá dài, nên chỉ xin gạch vài đầu dòng.
- Uống nhiều nước giúp bạn làm việc và luyện tập với cường độ cao hơn.
- Uống nhiều nước cơ thể bạn sẽ tràn đầy năng lượng hơn.
- Uống nhiều nước làn da sẽ rạng rỡ hơn, trẻ trung hơn, mịn màng hơn.
- Uống nhiều nước sẽ nhanh khỏi ốm hơn.
- Uống nhiều nước suy nghĩ sẽ tỉnh táo hơn, cơn đau đầu dần tránh xa bạn.
- Uống nhiều nước, tim bạn sẽ tốt hơn, bạn ít bị hồi hộp hơn.
Cơ thể con người hơn 70% là nước, bản thân nước chứa 0 calo, 0 đường và 0 chất béo. Nước có thể giúp chúng ta điều hòa nhiệt độ cơ thể, cân bằng dinh dưỡng, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, đào thải độc tố, v.v. Nước bạn uống sẽ không được tích trữ và đương nhiên bạn sẽ không tăng cân vì nước, mà ngược lại, uống nước đúng cách có thể giúp bạn giảm cân.
Vậy mỗi ngày cần uống bao nhiêu nước?
Để duy trì các chức năng sinh lí, cơ thể con người cần khoảng 3000 – 4000 mL nước tổng số mỗi ngày, một nửa trong số đó lấy từ thức ăn, như vậy lượng nước cần uống khoảng 1500 – 2000 mL mỗi ngày.
2000 mL = 8 cốc.
Bác sĩ vẫn khuyên uống khoảng 8 cốc nước mỗi ngày, tức là mỗi cốc 250 mL, mỗi lần uống 1 cốc.
Nhưng 8 cốc chỉ là gợi ý chung.
Thực tế, cơ thể mỗi người khác nhau nên cần lượng nước uống vào cũng khác nhau, có người cần uống nhiều hơn 8 cốc, người thì lại uống ít hơn 8 cốc. Tức là phải uống đủ nước. Uống ít hơn nhu cầu cơ thể, hoặc uống nhiều hơn, đều không tốt.
Tôi lấy ví dụ, người bị táo bón mà uống 2000 mL thì không đủ, cần phải uống gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Người vận động nhiều, thể dục ra mồ hôi nhiều, làm việc ngoài nắng chẳng hạn, thì lượng nước uống cũng phải tăng lên. Nhưng người thấp bé nhẹ cân, ít vận động, suốt ngày ngồi máy lạnh, thì lượng nước uống giảm đi.
Làm thế nào để biết cơ thể uống đủ nước?
Câu trả lời đơn giản là, bạn hãy vào nhà vệ sinh, đây là cách tốt nhất giúp bạn phát hiện mình thiếu, đủ, hay uống thừa nước. Bạn chỉ cần uống 8 li nước mỗi ngày, quan sát nước tiểu của mình, xem rơi vào trường hợp nào sau đây rồi tự điều chỉnh.
- Nước tiểu của bạn trong như nước mưa, không màu, không mùi → bạn uống thừa nước, hãy giảm dần dưới 8 li.
- Nước tiểu của bạn trong, hơi vàng nhạt, không bốc mùi → chúc mừng bạn đã uống đủ nước, hãy duy trì 8 li.
- Nước tiểu của bạn đục, màu vàng đậm như nước vối hay màu hổ phách, khai lùm tăng tít → bạn đang uống chưa đủ nước, cần tăng hơn 8 li.
Một số chú ý khi uống nước
Uống nước đúng, không chỉ giúp cơ thể khoẻ mạnh, mà bạn sẽ phòng được rất nhiều bệnh, chỉ tiếc là nhiều người chưa biết uống đúng là thế nào.
Nên uống 1 li nước buổi sáng: Sau một đêm trao đổi chất, li nước này vào buổi sáng có thể đánh thức cơ thể và giúp loại bỏ độc tố trong đường ruột.
Không uống nhiều nước trong bữa ăn: Uống nước hay chan nhiều canh trong bữa ăn, sẽ làm loãng dịch vị, khiến các chất dinh dưỡng trong bữa ăn không thể được hấp thụ hết, chất dinh dưỡng đọng lại trong ống tiêu hoá, phân huỷ thành độc tố rồi ngấm vào cơ thể, hoặc gây táo bón.
Không uống nước ngay sau bữa ăn: Vì uống nước sau bữa ăn, thức ăn chuyển hoá thành đường glucose vào máu, uống nước sẽ làm loãng glucose máu làm cho glucose không tiêu thụ mà trực tiếp chuyển hóa thành chất béo và tích trữ trong cơ thể, dẫn đến tăng cân và béo lên.
Nên uống nước nửa giờ sau ăn: Lúc này, thức ăn bắt đầu được tiêu hóa, uống nước có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và hỗ trợ tiêu hóa.
Uống vài ngụm nước trước khi đi ngủ: Nếu uống nhiều quá, cơ thể giữ nước, mắt sưng húp sáng hôm sau. Trước khi đi ngủ nên uống một ít nước, chủ yếu giữ độ ẩm cho cổ họng, cho môi và miệng, để tránh không hôi miệng vì khô. Người có tuổi, uống ít nước trước khi đi ngủ, cũng giúp pha loãng máu, có thể giảm nguy cơ tai biến mạch não hay nhồi máu cơ tim.
Đừng uống nước chỉ vì khát: Uống nước không phải để làm dịu cơn khát mà để trao đổi chất. Khi não phản ánh cơn khát, cơ thể đã bị mất nước 1% và quá trình trao đổi chất giảm đi. Vì vậy, thỉnh thoảng bạn cần bổ sung nước để duy trì và tăng tốc độ trao đổi chất, chứ đừng đợi khi khát mới uống.