Trầm cảm cười: Mặt trái của "niềm vui" - Doctor247

Trầm cảm cười: Mặt trái của “niềm vui”

Trầm cảm cười là tình trạng rối loạn cảm xúc, che giấu cảm xúc thật bằng nụ cười, thái độ sống vui vẻ, tích cực.

Trầm cảm cười là gì?

Trầm cảm cười (smiling depression) là một rối loạn cảm xúc hay còn gọi là trầm cảm không điển hình. Đây là thuật ngữ chỉ những người đang đấu tranh với tâm trạng trầm cảm ở bên trong; nhưng vẫn biểu hiện hạnh phúc, cười nói vui vẻ ở bên ngoài. Thông thường, mọi người xung quanh sẽ nghĩ rằng họ đang có cuộc sống vui vẻ và hoàn hảo.

Trầm cảm cười chưa được chứng nhận là một tình trạng rối loạn tâm thần (theo DSM-5); nhưng tình trạng này vẫn có thể sẽ được chẩn đoán như rối loạn trầm cảm không điển hình.

Trầm cảm cười có nguy hiểm không?

Chính vì nỗi buồn của người trầm cảm ẩn đằng sau nụ cười; rối loạn trầm cảm không điển hình này có thể nguy hiểm với người mắc rối loạn do không được phát hiện kịp thời.

Hơn nữa, trầm cảm còn có thể khiến người mắc rối loạn bị ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất; và các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Điển hình là: bị đau lưng hoặc đau đầu; thiếu bạn bè hoặc người tâm sự; lạm dụng việc uống rượu hoặc các loại thuốc để đối mặt; xoa dịu và giải quyết các triệu chứng hoặc sự thay đổi tâm trạng của mình.

tram-cam-cuoi-1
Có khi nào chính bạn hay ai đó cố gắng giả vờ bạn đang hạnh phúc để che giấu nỗi đau bên trong? Nếu sớm nhận biết những dấu hiệu của trầm cảm cười, bạn có thể giúp được chính mình hoặc những người thân xung quanh.

Dấu hiệu ngầm của trầm cảm cười

  • Chán ăn hoặc rất thèm ăn: Khi bị trầm cảm, họ có thể biểu hiện bằng thay đổi lượng thức ăn; họ có thể ăn ít hơn, thậm chí là chán và bỏ ăn; hoặc thèm ăn, ăn nhiều hơn so với bình thường. Ngoài sự thay đổi về lượng ăn, một số người có thể thay đổi về khẩu vị; ví dụ như thích ăn đồ ngọt nhiều hơn; hoặc mất cảm giác ngon miệng. Điều này dẫn đến sự tăng/giảm cân nặng thất thường.
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ: Đây là triệu chứng rất thường gặp trong rối loạn trầm cảm cười. Rối loạn giấc ngủ có nhiều biểu hiện như: khó vào giấc, ngủ không sâu; bồn chồn, thức dậy giữa đêm; hoặc dậy sớm và không thể ngủ lại được; hoặc đảo lộn giờ giấc sinh học như ngủ ngày quá nhiều và đêm trằn trọc khó ngủ. Ở thể trầm cảm không điển hình, họ có thể ngủ nhiều hơn so với bình thường.
  • Cảm giác tuyệt vọng, tội lỗi: Cảm giác tội lỗi, tự trách bản thân, thường hay suy nghĩ và dằn văt về những lỗi lầm trong quá khứ; cảm thấy bản thân không có giá trị, tuyệt vọng; mất niềm tin vào cuộc sống.
  • Mất hứng thú với các hoạt động: Họ thường mất đi hứng thú những hoạt động mà trước đây họ từng thích làm. Hoặc ở mức độ nhẹ hơn, họ sẽ cảm thấy giảm năng suất và hiệu quả công việc;cảm thấy mệt mỏi, chán nản; suy nghĩ tiêu cực về hoạt động mà họ từng thích thú.
  • Các triệu chứng khác có thể gặp như: Chậm chạp hoặc có thể kích động tâm thần vận động, dễ cáu gắt, lo lắng, tay chân nặng nề. Thậm chí, một số người còn xuất hiện những ý tưởng hoặc suy nghĩ tự sát; cuối cùng có thể dẫn tới những hành vi tự hại.

tram-cam-cuoi-2

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính gần 265 triệu người trên thế giới bị trầm cảm. Những người bị trầm cảm cười có thể có những triệu chứng quan sát được; nhưng cũng có triệu chứng được giữ kín và khó phát hiện. Vì vậy, người thân, gia đình có thể chú ý các dấu hiệu cho thấy họ đang không ổn như: mệt mỏi và mất hứng thú với những thứ họ từng thích; hoặc cho họ làm test trầm cảm online.

Mặc dù có những dấu hiệu trên; nhưng những người bị trầm cảm cười vẫn có thể giữ một công việc ổn định và cố gắng duy trì cuộc sống ở ngoài xã hội với trạng thái tích cực, lạc quan. Bởi vậy, điều quan trọng là khi nói về vấn đề sức khỏe tâm lý đó là giữ tâm thế cởi mở và tôn trọng. Như vậy, họ mới được khuyến khích và có đủ can đảm để mở lòng chia sẻ cảm xúc thật.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm cười

Nguyên nhân trầm cảm vẫn còn nhiều tranh cãi và là các giả thuyết được đặt ra. Trong đó nguyên nhân chính gây trầm cảm cười là do sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh trên não bộ; chủ yếu là serotonin. Ngoài ra còn các nguyên nhân khác phối hợp như gen, yếu tố di truyền, tâm lý xã hội, môi trường sống,…

Vì sao người trầm cảm cố gắng vui vẻ và che giấu nỗi đau?

Có rất nhiều lý do khiến người bị trầm cảm cười che giấu nỗi đau; họ có thể muốn bảo vệ quyền riêng tư hay cảm thấy sợ bị người khác phán xét. Sau đây là một số lí do mà người gặp trầm cảm cười thường không sẵn sàng chia sẻ và chấp nhận rối loạn như:

  • Sợ thành gánh nặng cho người khác: Trầm cảm và cảm giác tội lỗi có xu hướng song hành cùng nhau. Do đó, người mắc trầm cảm cười không muốn tạo bất kỳ gánh nặng nào cho người khác. Họ chỉ đơn giản là không biết làm thế nào để nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài; vì vậy họ giữ cuộc đấu tranh nội tâm bên trong cho chính mình.
  • Xấu hổ (sợ mình yếu đuối): Một số người tin rằng trầm cảm là dấu hiệu của sự yếu đuối. Thậm chí họ tin rằng họ có thể tự “thoát khỏi nó”, trong khi họ không thể; họ nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với họ. Những người bị trầm cảm cười thường sợ rằng những người khác sẽ lợi dụng điểm yếu này; họ lo lắng người khác sẽ coi họ là người yếu đuối, dễ bị tổn thương; và sẽ chống lại họ.
  • Phủ nhận sự thật: Trầm cảm cười có thể xuất phát từ sự phủ nhận rằng họ đang chán nản. Theo số liệu thống kê từ các nghiên cứu, có tới 50% người mắc trầm cảm phủ nhận họ buồn. Họ tin rằng mỉm cười là không bị trầm cảm và họ không cho phép bản thân bị trầm cảm. Nhiều người không thể thừa nhận rằng có điều gì đó không ổn với họ.
  • Chủ nghĩa hoàn hảo (cầu toàn): Những người cầu toàn thường yêu cầu mọi thứ phải hoàn hảo. Vì vậy dù họ có bị trầm cảm, họ vẫn đội lốt ngụy trang để che đi nỗi đau hay vấn đề gặp phải. Kết quả là họ tin việc thừa nhận chứng trầm cảm có nghĩa là cuộc sống của họ không hoàn hảo và họ không thể tự chấp nhận điều này.
  • Hạnh phúc phi thực tế: Nhiều yếu tố, trong đó có mạng xã hội đã xây dựng nên một hạnh phúc phi thực thế. Người người nhà nhà đăng lên những bức hình rằng họ thành công và hạnh phúc. Vô hình chung nó bóp méo đi khái niệm hạnh phúc của nhiều người. Từ đó, họ tin rằng mỗi mình đang đấu tranh với các vấn đề sức khỏe tâm thần; họ bắt đầu cảm thấy bị cô lập hơn bao giờ hết và điều đó có thể khiến họ che giấu bệnh trầm cảm cười của mình nhiều hơn.
Nhiều người không dám đăng trạng thái hay hình ảnh khi họ đang cảm thấy tồi tệ. Thay vào đó, họ chỉ chọn chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ, tốt đẹp của mình với thế giới. Điều này có thể tạo điều kiện cho bệnh trầm cảm cười phát triển hơn.
tram-cam-cuoi-2

Người có nguy cơ bị trầm cảm cười

Ngoài những nguyên nhân dẫn tới trầm cảm trên, một số đối tượng có thể dễ bị kích hoạt trầm cảm cười khi:

  • Sự kiện lớn hoặc sự mất mát lớn xảy ra: Tương tự như các loại trầm cảm khác, trầm cảm cười có thể xuất hiện khi họ mới mới mất đi người thương, khi một mối quan hệ thất bại hay mới mất việc. Bất kỳ sự kiện lớn nào cũng có thể kích hoạt bệnh trầm cảm cười xuất hiện.
  • Sự phán xét: Từ xã hội, gia đình cổ vũ chúng ta vui lên, luôn luôn giữ sự tích cực, lạc quan trong cuộc sống. Rằng buồn bã, ủ dột là yếu đuối. Điều này đặc biệt được xã hội gán lên những người đàn ông rằng đàn ông khóc là yếu đuối. Chính vì vậy mà phái nam ít có tìm kiếm sự giúp đỡ về sức khỏe tinh thần so với phái nữ.

Ngoài ra, trầm cảm cười (trầm cảm không điển hình) là một yếu tố gợi ý cần phải tầm soát rối loạn lưỡng cực, đây có thể là một giai đoạn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực mà cả nhiều bác sĩ và bệnh nhân đều bỏ sót và không chú ý tới.

tram-cam-cuoi-3

Các phương pháp điều trị và chữa trầm cảm cười

Giống như cách điều trị rối loạn trầm cảm khác; cách điều trị và chữa trầm cảm cười có thể bao gồm sử dụng thuốc, tâm lý trị liệu; kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh. Ví dụ như chế độ ăn uống và tập thể dục tùy vào mức độ của rối loạn.

  • Tâm lý trị liệu: Nếu phát hiện bản thân hay người thân bị trầm cảm cười; hãy tìm một bác sĩ tâm thần để được chẩn đoán và tư vấn về kế hoạch điều trị. Đối với mức độ nhẹ, người mắc trầm cảm có thể bắt đầu với tâm lý trị liệu dưới sự giúp đỡ của tâm lý gia; để giúp họ giải toả cũng như kiểm soát được sức khoẻ tinh thần của chính mình.
  • Sử dụng thuốc: Trong trường hợp mức độ bệnh là trung bình hoặc nặng, điều trị bằng thuốc là lựa chọn đầu tiên trong các hướng dẫn điều trị trầm cảm. Bạn cần gặp bác sĩ và điều trị theo một phác đồ cụ thể; không tự ý sử dụng thuốc và lạm dụng các thuốc an thần hoặc gây ngủ mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Lối sống lành mạnh: Một lối sống lành mạnh sẽ là bước đệm để củng cố sức mạnh tinh thần: ăn uống lành mạnh; tập thể dục đều đặn; đảm bảo ngủ đủ giấc; v.v. Cơ thể khỏe mạnh thì tâm trí mới lành mạnh và được cân bằng.

Việc chẩn đoán bệnh trầm cảm cười khá khó khăn; bởi thậm chí nhiều người họ không biết chính mình đang mắc bệnh trầm cảm cười hoặc họ không tìm kiếm sự giúp đỡ.

Thùy Linh

Theo Hellobacsi

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận