Lý do chị em cần đề phòng bệnh tim mạch - Doctor247

Lý do chị em cần đề phòng bệnh tim mạch

Các đặc trưng cơ thể ở phụ nữ khiến bệnh tim mạch biểu hiện riêng biệt, dễ bị phát hiện muộn và trở nặng hơn nam giới.

Kích thước trái tim của chị em nhỏ so với nam giới khi trưởng thành, song có nhiều tế bào cơ và sức bơm, khả năng co bóp lớn hơn, trợ lý giáo sư Angela Koh, chuyên gia tư vấn cấp cao tại khoa Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore, cho biết.

Phụ nữ cũng có nhịp tim nhanh hơn. Tim của một phụ nữ trưởng thành bơm máu với tốc độ khoảng 78 đến 82 nhịp mỗi phút, trong khi tim của một người đàn ông ở mức 70 đến 72 nhịp. Buồng tâm thất trái của tim phụ nữ nhỏ hơn nên cần nhiều nhịp đập để tạo ra cùng một lượng cung lượng tim. Sự khác biệt về nhịp tim tác động đến cách phản ứng với căng thẳng. Lúc này, nhịp tim của chị em tăng lên, lượng máu được bơm khỏi tim nhiều hơn, tăng nguy cơ mắc tim đập nhanh.

Hệ thống nội tiết cũng can thiệp vào vấn đề tim mạch ở phụ nữ. Theo Tổ chức Tim mạch Singapore, estrogen giúp chị em duy trì mức cholesterol tốt, huyết áp thấp hơn nam giới. Khi lượng estrogen giảm xuống trong kỳ mãn kinh, mức độ cholesterol xấu sẽ tăng lên, làm tăng tích tụ mảng bám trong động mạch và huyết áp.

Trong khi đó, bệnh tim mạch ở phụ nữ thường khó chẩn đoán. Lý do là các triệu chứng khó phát hiện, dễ nhầm lẫn, khiến phụ nữ trì hoãn khám chữa hoặc phát hiện ở giai đoạn muộn, giảm khả năng điều trị. Ví dụ, nam giới có biểu hiện đau ngực khi bị đau tim. Phụ nữ cũng bị đau ngực, song có thể kèm theo các triệu chứng không điển hình khác như buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, đau cổ, hàm, cổ họng, bụng, lưng, ngất xỉu, chóng mặt, khó thở, mệt mỏi, ho…

Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch ở phụ nữ có thể đi kèm các biểu hiện không điển hình khác như buồn nôn, khó thở. Ảnh: Freepik.

Đàn ông bị tích tụ mảng bám ở các động mạch lớn cung cấp máu cho tim. Ở phụ nữ, tình trạng này xuất hiện trong các mạch máu nhỏ, khi co lại gây đau ngực tương tự cơn đau tim.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng chị em cần rất cảnh giác với các bệnh tim mạch. Trong đó, bệnh suy tim với phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF) có số ca mắc ở nữ gấp đôi nam giới, số mắc ngày càng tăng, tỷ lệ nhập viện và tử vong cao. HFpEF xảy ra khi buồng bơm máu chính của tim bị cứng, không thể thư giãn giữa các nhịp tim, ảnh hưởng đến lượng máu bơm cho toàn cơ thể.

Một bệnh khác cũng phổ biến ở chị em là hẹp động mạch chủ. Sự lắng đọng canxi trong mạch máu khiến van tim ở nên cứng, cản trở lưu thông máu. Hậu quả là tim phải bơm mạnh hơn, cơ tim dày lên gây suy tim. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây tử vong sớm.

Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi cũng có thể có nhịp tim không đều hoặc rối loạn ảnh hưởng điều hòa nhịp tim, mắc hội chứng trái tim tan vỡ.

“Trái tim tan vỡ” là hội chứng xảy ra khi chị em phải đối phó với căng thẳng thẳng về mặt cảm xúc, gây triệu chứng và hiển thị điện tâm đồ tương tự cơn đau tim, song không tạo ra tổn thương lâu dài. Hội chứng này xuất hiện ở hơn 90% phụ nữ từ 58 đến 75 tuổi và khoảng 5% nghi ngờ bị đau tim, theo thống kê của Trường Y Harvard.

Cách quản lý sức khỏe tim mạch

Chị em cần quản lý sức khỏe tim mạch kỹ lưỡng, càng sớm càng tốt, không nên đợi đến 40 tuổi mới ưu tiên cho sức khỏe tim mạch. Trong đó, việc đầu tiên là áp dụng lối sống và thói quen lành mạnh để phòng bệnh. Chị em được khuyến nghị ăn uống điều độ, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cho tim gồm tăng rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá, trái cây.

Nên duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên hoặc hoạt động thể chất hàng ngày với cường độ vừa phải, tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Chỉ số khối cơ thể (BMI) nên dưới 24,9 và vòng eo dưới 88,9 cm, không hút thuốc lá.

Cần lưu ý quản lý căng thẳng. Nếu không được quản lý đúng cách, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose và lipid của cơ thể, đồng thời tác động đến huyết áp, gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cách quản lý căng thẳng hữu hiệu là chấp nhận rằng bản thân không thể kiểm soát mọi thứ, giữ thái độ tích cực, thư giãn, ngủ và nghỉ ngơi đủ.

Bên cạnh đó, chị em nên khám định kỳ để biết tình trạng của tim, tham khảo ý kiến bác sĩ về nguy cơ mắc bệnh của bản thân, từ đó có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Chi Lê

Theo VnExpress

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận