Vaccine HPV: Tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung giảm mạnh nhờ tiêm chủng - Doctor247

Vaccine HPV: Tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung giảm mạnh nhờ tiêm chủng

Nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể nhờ vào vaccine HPV (Human Papillomavirus).

Tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể nhờ vào vaccine HPV
Tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể nhờ vào vaccine HPV

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA, phụ nữ Mỹ dưới 25 tuổi trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2021 – nhóm đầu tiên được tiêm vắc xin HPV khi còn ở tuổi thiếu niên – đã ghi nhận tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung thấp hơn đáng kể so với các nhóm trước đây.

HPV và vai trò trong ung thư cổ tử cung

HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục và là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, các chủng HPV nguy cơ cao như HPV-16 và HPV-18 chiếm khoảng 70% các trường hợp. Tiến sĩ Ashish A. Deshmukh, đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích: “HPV gây ung thư cổ tử cung thông qua các chủng nguy cơ cao, đặc biệt là HPV-16 và HPV-18. Những chủng này sản sinh protein làm gián đoạn chức năng tế bào bình thường, dẫn đến sự phát triển ung thư.”

Vắc xin HPV hoạt động bằng cách ngăn chặn các chủng HPV nguy cơ cao này, giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng và ung thư.

Hiệu quả của vaccine HPV

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm có khoảng 13 triệu người nhiễm HPV mới và virus này gây ra khoảng 36.000 trường hợp ung thư ở cả nam và nữ tại Mỹ. Tuy nhiên, việc tiêm chủng đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Từ năm 1992 đến 2015, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung giảm trung bình 3,7% mỗi năm. Nhưng từ năm 2015 đến 2021, tốc độ giảm tăng vọt lên 15,2% mỗi năm.

Nhóm phụ nữ dưới 25 tuổi từ năm 2016 đến 2021 – những người đầu tiên được tiêm vaccine HPV – đã chứng kiến sự cải thiện rõ rệt. Theo dự đoán, nếu không có vắc xin, sẽ có thêm 26 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung trong giai đoạn này.

Dự phòng HPV từ sớm là biện pháp hiệu quả để chống lại loại virus này
Dự phòng HPV từ sớm là biện pháp hiệu quả để chống lại loại virus này

Miễn dịch HPV toàn cầu

Vaccine HPV lần đầu tiên được triển khai tại Mỹ vào năm 2006 cho nữ và mở rộng cho nam vào năm 2011. Đến nay, hơn 135 triệu liều đã được phân phối trên toàn nước Mỹ. CDC khuyến cáo trẻ em nên tiêm hai liều vào khoảng 11-12 tuổi, với liều thứ hai được tiêm trong vòng một năm sau liều đầu.

Hiệu quả của vắc xin không chỉ dừng lại ở việc giảm ung thư cổ tử cung mà còn giúp giảm hơn 80% các ca nhiễm HPV gây ung thư và mụn cóc sinh dục ở nữ thiếu niên và phụ nữ trẻ. Đồng thời, tỷ lệ tiền ung thư cổ tử cung liên quan đến HPV cũng giảm 40%.

Tiến sĩ Justin Stebbing từ Đại học Anglia Ruskin nhấn mạnh: “Những phát hiện này cho thấy sự giảm mạnh tỷ lệ tử vong nhờ vắc xin HPV, đặc biệt ở nhóm phụ nữ trẻ dưới 25 tuổi. Đây là bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của vắc xin.”

Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung ở Việt Nam còn thấp. Chỉ khoảng 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vaccine HPV, và 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc.

Vai trò quan trọng của việc dự phòng cho cả nam giới

Mặc dù nhiều quốc gia tập trung tiêm dự phòng HPV cho nữ giới, nhưng việc tiêm cho nam giới cũng mang lại lợi ích lớn. Tiến sĩ Stebbing giải thích rằng nam giới có thể truyền virus HPV cho nữ giới. Vì vậy, tiêm phòng cho cả hai giới giúp giảm sự lây lan và tăng hiệu quả bảo vệ toàn dân.

Bộ Y tế Việt Nam đã mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho cả nam và nữ từ 9 đến 45 tuổi. Điều này tạo điều kiện cho nhiều người hơn được tiếp cận với biện pháp phòng ngừa hiệu quả này.

Ngoài ung thư cổ tử cung, HPV còn liên quan đến nhiều loại ung thư khác như ung thư dương vật, hậu môn và họng, những bệnh thường ảnh hưởng đến nam giới.

Tỉ lệ tiêm chủng ảnh hưởng như thế bào đến miễn dịch cộng đồng?

Tiến sĩ Stebbing cảnh báo: “Việc giảm tỷ lệ tiêm chủng là một vấn đề đáng lo ngại. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao ở mọi nhóm đối tượng, bao gồm cả nam giới, để tối đa hóa hiệu quả của vaccine trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.”

Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng dự phòng HPV vẫn còn thấp, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Để đạt được hiệu quả tối đa trong việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin HPV, cũng như đảm bảo cung cấp vắc xin đầy đủ và kịp thời cho người dân.

Vaccine HPV đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến HPV. Tuy nhiên, cần tăng cường nhận thức và nỗ lực để đảm bảo tất cả mọi người, bất kể giới tính, đều được tiêm phòng đầy đủ. Điều này không chỉ giúp bảo vệ từng cá nhân mà còn nâng cao sức khỏe cộng đồng một cách toàn diện.

Theo HPV Vaccine: Fewer Women Dying of Cervical Cancer Due to Shot – Newsweek

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận