Alô, bác sĩ ơi! Mẹ bầu mất ngủ cả đêm phải làm sao? - Doctor247

Alô, bác sĩ ơi! Mẹ bầu mất ngủ cả đêm phải làm sao?

* Em đang mang thai tuần thứ 28 nhưng khoảng từ 22 tuần trở đi em bị mất ngủ cả đêm, mặc dù ăn uống và bổ sung sắt, canxi đầy đủ. Mất ngủ thường khoảng 2-3 giờ sáng hoặc có khi đến sáng. Thứ 2 là em nằm nghiêng bên phải hoặc nằm ngửa sẽ dễ chịu hơn nếu chủ đích nằm nghiêng trái. Bác sĩ cho em hỏi 2 tình trạng trên của em liệu có ảnh hưởng đến bé về lâu về dài không? (Bùi Hiền, ngụ TP.Biên Hòa)

me-bau-mat-ngu-ca-dem-anh-1
Việc mẹ bầu ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ

Bác sĩ Trương Công Chuyên, Khoa Sản phụ, Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark, trả lời:

Chào chị!

Tình trạng mất ngủ cả đêm kéo dài không chỉ ảnh hưởng xấu tới đồng hồ sinh học mà còn tác động không tốt tới sức khỏe nói chung. Dù có đảm bảo về mặt dinh dưỡng ra sao, nhưng nếu mẹ bầu thường xuyên thiếu ngủ sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể, tinh thần mệt mỏi, không được tỉnh táo, thậm chí kiệt sức, ảnh hưởng không tốt tới thai nhi.

  • Mất ngủ cả đêm khiến cơ thể kém tỉnh táo, kiệt sức.
  • Mất ngủ khiến não bộ thiếu hụt vi chất.
  • Khó sinh, quá trình chuyển dạ kéo dài tăng nguy cơ sinh mổ.
  • Giảm khả năng tập trung, dễ nổi nóng.
  • Nhanh lão hóa da.
  • Thường xuyên bị căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm.
  • Bà bầu mất ngủ có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Bên cạnh đó, mẹ bị mất ngủ giữa thai kỳ, trong giai đoạn mà thai nhi đang phát triển và hoàn thiện các cơ quan nội tạng, não bộ cũng dẫn đến những tác động không tốt tới sức khỏe của bé.

  • Em bé dễ bị thiếu máu: Quá trình tái tạo hồng cầu diễn ra từ lúc 23 giờ đến 3 giờ sáng. Vì vậy, mẹ bị mất ngủ thường xuyên cũng khiến quá trình tuần hoàn máu ở thai nhi bị ảnh hưởng, dẫn đến thiếu máu từ trong bụng mẹ.
  • Chậm phát triển, suy giảm miễn dịch tự nhiên. Như đã chia sẻ, giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, trẻ đang phát triển mạnh về trí não và dần hoàn thiện các cơ quan nội tạng, mạch máu. Thời điểm này, bất cứ tác động nào từ người mẹ cũng có thể khiến cho quá trình hoàn thiện thể chất của em bé bị ảnh hưởng tiêu cực.

Khắc phục tình trạng 3 tháng giữa thai kỳ mẹ bầu bị mất ngủ như thế nào?

Việc ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, bà bầu cũng cần đi ngủ trước 23 giờ và nên dành khoảng 30 phút ngủ trưa để đảm bảo sự có một thai kỳ luôn khỏe mạnh. Nếu thường xuyên bị mất ngủ khi mang thai thì có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Sử dụng thêm gối kê khi ngủ và chọn tư thế giúp giảm áp lực tử cung lên vùng khung chậu, có thể lựa chọn tư thế nằm nghiêng.
  • Thư giãn tâm trạng, trí óc bằng cách đọc một cuốn sách hay hoặc nghe nhạc nhẹ, kích thích cơn buồn ngủ.
  • Ăn uống đầy đủ chất, đặc biệt là những nhóm thực phẩm chứa hàm lượng vitamin B, D, A, C, magie, kali… giúp giảm tình trạng mệt mỏi, căng thẳng.
  • Tránh dùng nhiều thực phẩm chứa đường, đồ ngọt, các thực phẩm khó tiêu đặc biệt là trước khi đi ngủ.
  • Lựa chọn một số bộ môn thể thao, vận động nhẹ nhàng, vừa giúp thư giãn đầu óc, tinh thần, vừa giúp thư giãn cơ bắp, điều hòa nhịp thở như Yoga, đi bộ, thiền… để giấc ngủ được đảm bảo hơn.
  • Không nên ngủ trưa quá 1 tiếng để tránh tình trạng mệt mỏi, uể oải và khó ngủ vào ban đêm.
  • Massage vùng đầu, mặt trước khi ngủ, kích thích tuần hoàn, lưu thông máu lên não, giúp chị em đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
  • Trước khi đi ngủ, chị em có thể chuẩn bị một chậu nước khoảng 50 độ C và thực hiện ngâm chân trong khoảng 15 phút. Việc này kích thích máu lưu thông, tác động tới hầu hết các huyệt đạo, giúp kinh mạch tuần hoàn tốt hơn, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp ngủ sâu hơn.
  • Áp dụng khung thời gian nhất định khi đi ngủ trong một thời gian để điều chỉnh đồng hồ sinh học của bản thân.
  • Đảm bảo không gian phòng ngủ không quá sáng, thoáng mát, sạch sẽ, nhiệt độ vừa phải để giúp bạn dễ ngủ hơn. Có thể sử dụng một vài loại tinh dầu thơm phòng theo sở thích, giúp tinh thần thư giãn trước khi bước vào giấc ngủ.
  • Đặc biệt, chị em không nên sử dụng bất cứ loại thực phẩm chức năng, thuốc uống nào khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.

Hy vọng những hướng dẫn trên sẽ giúp bạn cải thiện được tình trạng mất ngủ cả đêm nhé!

Theo Đồng Nai

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận