Ba phụ nữ một gia đình mắc ung thư vú - Doctor247

Ba phụ nữ một gia đình mắc ung thư vú

Mẹ và dì ung thư vú, chị Hân, 33 tuổi, lo bệnh di truyền nên thường khám sức khỏe định kỳ, lần này ngực phải bị viêm, bác sĩ chẩn đoán ung thư giai đoạn một.

Mẹ chị Hân ung thư vú cách đây 11 năm. Dì ruột bị K vú khoảng 6 năm trước, lúc 46 tuổi. Cả mẹ và dì của chị Hân được ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, điều trị ung thư và tái tạo ngực, hiện sức khỏe ổn định.

Biết mình có nguy cơ di truyền ung thư vú nên chị chủ động kiểm tra ngực, khám sức khỏe định kỳ để sớm có biện pháp điều trị. Lần này chị đi khám do ngực bị viêm và có khối u, bác sĩ chẩn đoán ung thư vú bên phải giai đoạn một.

Chị được phẫu thuật cắt khối u ác tính ở ngực phải, cắt tuyến vú bên ngực trái (đoạn nhũ) để phòng ngừa và tái tạo vú ngay tức thì bằng cách đặt túi ngực hai bên cùng lúc.

Bác sĩ Giang cho biết sau phẫu thuật, khối u ác tính được loại bỏ, hai bầu ngực tròn đầy tự nhiên, giúp người bệnh tránh cảm giác tự ti.

ung-thu-vu
Ê kíp bác sĩ khoa Ngoại Vú phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Nguyễn Trăm

Người bệnh tiếp tục dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, mặc áo định hình sớm giúp nâng đỡ túi ngực, tránh di lệch. Trong 1-2 tuần đầu, cần hạn chế để nước dính vết thương, kiêng vận động mạnh vài tuần sau khi phẫu thuật, tránh nằm sấp và các hoạt động làm căng cơ ngực như với tay lên cao lấy đồ hoặc xách nặng.

Theo bác sĩ Giang, yếu tố tiền sử gia đình mắc ung thư vú chiếm tỷ lệ thấp và 5% ung thư vú di truyền. Người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu trong gia đình có người thân như mẹ, chị gái hoặc con gái ung thư vú.

Đoạn nhũ phòng ngừa đối bên là phẫu thuật cắt bỏ vú để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nghiên cứu tại các nước Âu Mỹ, đoạn nhũ phòng ngừa mang lại các lợi ích giảm 93% nguy cơ ung thư vú đối bên; giảm 48% tử vong do ung thư vú ở người mang đột biến gene BRCA1-2. Phương pháp này cũng giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ tại vùng, di căn xa ở bệnh nhân dưới 35 tuổi; cải thiện tỷ lệ sống ở nhóm 18-49 tuổi, giai đoạn 2-3, thụ thể ER âm tính.

Bác sĩ Giang cho biết nhiều người mắc bệnh liên quan đến ngực chọn đoạn nhũ phòng ngừa vì muốn cân xứng hai bên ngực cùng lúc, tăng hiệu quả thẩm mỹ và không phải tầm soát ung thư bên ngực còn lại. Phương pháp này không ảnh hưởng đến các liệu pháp hóa trị hỗ trợ sau đó.

Đoạn nhũ phòng ngừa đối bên chỉ định cho các trường hợp như có tiền sử ung thư vú trước đó, đột biến gene BRCA 1-2, tiền sử gia đình mắc ung thư vú và buồng trứng. Người bệnh từng xạ trị vùng ngực khi dưới 30 tuổi, ung thư vú tiểu thùy tại chỗ hoặc xâm lấn, ung thư vú giai đoạn sớm dưới 40 tuổi loại sinh học thể tam âm… cũng được chỉ định đoạn nhũ đối bên.

Hiện chưa có phác đồ chính thức cho phẫu thuật đoạn nhũ phòng ngừa đối bên. Hầu hết cuộc phẫu thuật được thực hiện dựa trên nguyện vọng, đồng thuận giữa người bệnh, gia đình và bác sĩ sau khi đánh giá những lợi ích, nguy cơ của phẫu thuật.

Sau đoạn nhũ, tái tạo vú có thể thực hiện với nhiều phương pháp như đặt túi ngực, sử dụng vạt tự thân (vạt cơ lưng bụng, vạt cơ lưng rộng…) hoặc kết hợp cả hai. Theo bác sĩ Giang, tái tạo vú không làm tăng nguy cơ tái phát, di căn nếu chẩn đoán ban đầu chuẩn mực.

Người bệnh ung thư vú phát hiện giai đoạn sớm có thể kiểm soát, điều trị khỏi và có thể giữ lại ngực. Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi nên tầm soát hàng năm. Phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ ung thư vú cao (tiền sử gia đình, khuynh hướng di truyền, mang gene đột biến gây tăng nguy cơ ung thư vú…) nên kiểm tra ở tuổi sớm hơn.

Theo VnExpress

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận