Chủ đề
3 típ kéo bạn khỏi chuỗi ngày ‘vòng lặp’ nhàm chán
Bạn có thể sẽ không thể tránh xa được khỏi vòng lặp vô tận nhà – cơ quan, nhưng “chuyển hóa” nó để bớt đi sự nhàm chán thì hoàn toàn có thể.
Những nghiên cứu tâm lý học gần đây về “một cuộc sống tốt đẹp” chỉ ra rằng: bằng cách thay đổi tư duy, bạn có thể khiến những công việc thường ngày trở nên thú vị và tạo nên “sự giàu có về mặt tâm lý” trong cuộc sống của mình. Khái niệm “sự giàu có về mặt tâm lý” (psychological richness) mô tả một dạng thức tương tác nhận thức mạnh mẽ. Nó khác biệt với hạnh phúc (happiness) và ý nghĩa cuộc sống (meaning), nhưng cũng quan trọng không kém trong việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.
Các nghiên cứu cho thấy, mọi người đánh giá cao những trải nghiệm kích thích trí tuệ, tạo ra thách thức và gợi lên nhiều cung bậc cảm xúc. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng lựa chọn cuộc sống đầy ắp trải nghiệm kiểu này – tức một cuộc sống “giàu có về mặt tâm lý” – hơn là cuộc sống hạnh phúc hoặc cuộc sống có ý nghĩa.
Phát hiện này cho thấy vai trò quan trọng của sự giàu có tâm lý, nhưng chưa giải thích vì sao nó tốt và vì sao con người nên nhường chỗ cho nó trong cuộc sống. Đây là những câu hỏi mang tính giá trị và không thể trả lời hoàn toàn bằng nghiên cứu thực nghiệm. Qua phân tích triết học, các chuyên gia cho rằng, “sự giàu có về mặt tâm lý” tốt cho chúng ta vì nó mang đến tính thú vị.
Một trong những cách đơn giản nhất là áp dụng tư duy dựa trên sự tò mò, sáng tạo và một hình thức “chánh niệm 2.0” (mindfulness 2.0). Khi bạn kết hợp ba yếu tố này trong sinh hoạt hằng ngày, bạn sẽ biến những công việc lặp đi lặp lại thành cơ hội vô tận để nhìn thế giới với con mắt thú vị. Bạn cũng phát triển khả năng tự cải thiện cuộc sống của chính mình.
Chánh niệm 2.0: Quan sát mà không phán xét
“Chánh niệm 2.0” nghĩa là duy trì sự tập trung không phán xét vào thế giới xung quanh, lặng lẽ chú ý mà không đánh giá.
Giống như trong các bài tập thiền chánh niệm, kỹ thuật này sẽ giúp bạn nhận ra những chi tiết thường bị bỏ qua: bề mặt lá cây, khuôn mặt của những người xa lạ lướt ngang trên vỉa hè, hay độ cao khác nhau của những lon hàng đặt trên kệ siêu thị.
Nhờ quan sát các chi tiết này, bạn kích thích trí óc, cho phép mình tương tác một cách chủ động hơn. Chú ý nhờ “chánh niệm 2.0” là bước đầu tiên để trải nghiệm sự thú vị.
Tò mò: Khám phá thông qua câu hỏi
Tò mò không chỉ dành cho trẻ con. Cho dù bạn đã biết nhiều, vẫn luôn có gì đó đáng để tò mò, đặc biệt nếu bạn đã rèn luyện khả năng quan sát qua “chánh niệm 2.0.”
Hãy tiếp tục với ví dụ ở bến xe buýt. Sau khi nhận ra có nhiều người đang đứng đợi, bạn có thể thắc mắc: “Bến xe này có từ bao giờ?”, “Quảng cáo bất động sản kỳ quặc kia dán ở lưng ghế từ bao giờ vậy?” Và thế là bộ não của bạn bước vào một chuyến phiêu lưu nhỏ.
Sáng tạo: Thử điều gì đó mới
Không phải chỉ nghệ sĩ hay nhà phát minh mới sáng tạo. Sáng tạo là kỹ năng kết nối mới trong tư duy, từ việc vẽ một bức tranh phong cảnh cho đến thử phối màu trang phục khác lạ, sáng tạo một món ăn hoàn toàn mới hoặc chỉ đơn giản thay đổi chút ít cách nấu món quen thuộc.
Khi sáng tạo, dù lớn hay nhỏ, bạn đều mang yếu tố mới mẻ vào cuộc sống thường ngày. Sự mới mẻ buộc bộ não vận hành theo cách mới, kích thích mức độ tương tác nhận thức, là nền tảng tạo nên sự hứng thú.
Dù mỗi người sẽ cảm thấy hứng thú khác nhau, 3 yếu tố “chánh niệm 2.0,” tò mò, và sáng tạo sẽ rèn luyện trí óc theo cách biến mọi trải nghiệm thành điều thú vị. Và đây chính là sức mạnh của tư duy: ai cũng có thể phát triển khả năng này để nâng tầm cuộc sống của chính mình.