Chủ đề
Viêm phổi do phế cầu chữa như thế nào?
Viêm phổi do phế cầu khiến đường hô hấp bị nhiễm khuẩn và nhiễm trùng tại phổi. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển rất nhanh và để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Phế cầu là nguyên nhân thường gặp gây các bệnh viêm phổi cộng đồng, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng và nhiễm khuẩn huyết trên toàn thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu, chủ yếu do viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hơn 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.
Ngay cả ở các quốc gia phát triển, bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn cũng gây tỷ lệ tử vong cao – trung bình 10-20% ở người lớn bị viêm phổi do phế cầu, con số cao hơn nhiều ở người có nhiều bệnh nền.
Đường lây truyền của phế cầu gây viêm phổi
Phế cầu (streptococcus pneumonia) là vi khuẩn gram dương, thường trú ở mũi họng của người, lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bệnh hoặc những người khỏe mạnh có mang phế cầu trong người.
Có khoảng 50% trẻ em khỏe mạnh mang vi khuẩn này trong cơ thể, ngay khi có điều kiện thuận lợi chúng sẽ tấn công và gây bệnh ở trẻ.
Đặc biệt trong các không gian có nhiều người như khu công nghiệp, lớp học, lễ hội,… sẽ là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn lây truyền diện rộng, xâm nhập vào cơ thể mọi người và gây ra bệnh viêm phổi.
Ngoài ra, vi khuẩn Streptococcus pneumoniae cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt đã bị nhiễm vi khuẩn, như tay, mũi hoặc miệng của người nhiễm bệnh. Việc tiếp xúc với các bề mặt này và sau đó chạm tay vào mũi, miệng hoặc mắt là nguy cơ lây truyền tiềm ẩn.
Theo thống kê nguyên gây viêm phổi do phế cầu khuẩn chiếm khoảng 30-50% các trường hợp viêm phổi là căn nguyên cao nhất hiện nay. Tỷ lệ mắc phế cầu khuẩn tập trung nhiều ở đối tượng trẻ em và người lớn tuổi. Cụ thể là ở nhóm lứa tuổi dưới 5 tuổi, 54-64 tuổi và đặc biệt là người trên 85 tuổi.
Viêm phổi do phế cầu có triệu chứng gì?
Viêm phổi do phế cầu là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp, gây nhiễm trùng tại phổi, gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus pneumoniae. Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi nhất là ở đối tượng trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
Triệu chứng của viêm phổi do phế cầu có thể tương tự như các bệnh khác. Các triệu chứng thường bắt đầu từ nhẹ và dần trở nên nghiêm trọng. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh lý này:
- Sốt cao: Bệnh nhân thường sốt cao, vượt quá 38 độ C
- Ho: Ho khan hoặc ho có đờm, đôi khi là đờm màu vàng hoặc xanh.
- Khó thở: Bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở hoặc thở nhanh hơn bình thường.
- Đau ngực: Đau ngực là triệu chứng phổ biến của viêm phổi do phế cầu, đặc biệt khi hít thở sâu hoặc ho.
- Mệt mỏi: Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi do cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng.
- Buồn nôn: Một số trường hợp bệnh nhân cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa.
Chính vì vậy để xác định chính xác nguyên nhân phương pháp điều trị phù hợp, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Điều này giúp bệnh nhân phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng từ viêm phổi do phế cầu.
Điều trị viêm phổi do phế cầu
Điều trị viêm phổi do phế cầu sẽ chắc chắn khỏi, nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị sớm. Trường hợp bệnh nặng, có biến chứng, thì việc điều trị sẽ khó khăn và có thể để lại các di chứng nặng như mù, điếc, liệt hoặc chậm phát triển tâm thần kinh… và có thể làm gia tăng tỉ lệ tử vong. Thông thường viêm phổi do phế cầu bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay loại vi khuẩn này kháng lại hầu hết các loại kháng sinh vốn dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Ở các bệnh nhiễm trùng phế cầu xâm lấn mà được điều trị bằng kháng sinh sẽ là loại kháng sinh phổ rộng, cho đến khi có kết quả về thử nghiệm độ nhạy. Loại kháng sinh này chống lại các loại vi khuẩn khác nhau. Khi đã biết được vi khuẩn nhạy cảm với loại kháng sinh nào thì bác sĩ sẽ lựa chọn ra một loại kháng sinh có tính ức chế vi khuẩn mạnh hơn để điều trị.
Ngoài ra tùy từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị hỗ trợ như: Hỗ trợ hô hấp nếu cần thiết. Điều trị nhằm giảm triệu chứng như sốt, ho, đau ngực, khó thở thông qua các phương pháp như dùng thuốc giảm đau, kháng histamin, hoặc các thuốc chống ho.
Nếu có biến chứng như viêm màng phổi (pleurisy) hoặc viêm màng tim (endocarditis), bác sĩ sẽ điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Lời khuyên phòng bệnh viêm phổi do phế cầu
Để phòng bệnh viêm phổi do phế cầu, người dân cần tuân thủ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người có triệu chứng viêm đường hô hấp, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc đông người, đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh lý do phế cầu.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sức đề kháng qua chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, năng tập thể dục, giữ ấm cho trẻ, người cao tuổi khi thời tiết thay đổi, mùa lạnh…
Các đối tượng trẻ em từ 2 tháng tuổi; người trên 65 tuổi; người có hệ thống miễn dịch yếu; người mắc các bệnh lý nền; người hút thuốc lá, nghiện rượu nặng; người bệnh trải qua phẫu thuật hoặc mắc bệnh nghiêm trọng… nên chủ động phòng ngừa bệnh liên quan phế cầu khuẩn bằng vaccine.
Theo SK&ĐS