Chủ đề
Thành công hay thất bại: chỉ là chuyện năm cũ thôi
Khi mới ngoài 20 tuổi, từng có một câu hỏi bao vây lấy tôi: Vì sao người thất bại lại là mình?
Ở đời hễ bạn càng có nhiều điều mong muốn, càng có nhiều mơ ước thì xác suất thất bại càng cao. Vì khả năng thất bại cao nên bạn càng dễ rơi vào vòng lẩn quẩn mình là kẻ thất bại.
Ngược lại, nếu một cá nhân chưa bao giờ đặt ra mục tiêu hay theo đuổi bất kỳ dự định nào, họ sẽ không phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực sau mỗi thất bại.
Cho đến khi số lần thất bại này tích lũy đến một mức độ nào đó, bạn sẽ bắt đầu hoài nghi bản thân liệu rằng bạn có phải là người xấu số hay không? Cớ sao sự đời cứ muốn liên tục thử thách bạn lần này đến lần khác?
Lý do bạn thất bại là gì?
Nhìn lại con đường mình đã đi và những cảm nhận khi xưa, có ba lý do khiến tôi thất bại. Tập luyện không đủ. Kinh nghiệm không đủ. Và trải nghiệm không đủ. Ngắn gọn như vậy.
Năng lực tôi ở mức bình thường. Nhưng có một điều đặc biệt ở tôi, là một chữ Ráng. Chuyên ngành ở đại học và lúc tốt nghiệp ra trường làm việc là hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt. Suốt chiều dài công việc tôi đi qua, đôi khi rất nhọc nhằn, làm việc từ sáng đến tận khuya, thỉnh thoảng cho đến khi kiệt sức.
Tính đến thời điểm này, tôi đã kinh qua mọi kiểu vất vả, thứ tôi phải vắt óc mình ra mà nghĩ, và trải qua nhiều nỗi thất vọng. Tôi tự học thông qua công việc là chính, đâu phải tự nhiên mà biết được, mà mình phải ráng!
Ý nghĩ và cảm nhận của tôi trên thực tế như một người chạy marathon vậy. Chạy ngày này qua ngày khác, tích cóp, rướn từng chút một, và bằng cách vượt qua từng mức độ mà tôi nâng mình lên. Ít nhất thì đó là lý do tôi dốc hết sức ngày này qua ngày nọ để nâng cao tầm mức của riêng mình, và nới dần các giới hạn ban đầu. Sau đó, thêm vào sự khuyến khích và duy trì độ khó. Và lặp lại.
Đừng sợ vấp ngã
Mỗi chúng ta đều ấp ủ những khát vọng khác nhau, và hầu hết đều đang đợi chờ cơ hội đắt giá nào đó đến với mình. Tuy nhiên, đều là người bình thường, nếu chúng ta muốn đi tiếp và nhích gần hơn đến mục tiêu, điều duy nhất phải làm, chính là không sợ vấp ngã.
Nhiều người than rằng cơ hội ấy sẽ chẳng bao giờ tới lượt mình. Nhưng từ “cơ hội” cũng đồng nghĩa với từ “chuẩn bị”. Chỉ khi nào đã hoàn thành quá trình chuẩn bị bền bỉ, thì dù chỉ là một cơ hội nhỏ, bạn cũng có thể nắm bắt và tận dụng tối đa lợi thế. Tùy theo vào việc chèo chống với cơ hội đó ra sao mà quỹ đạo cuộc đời của một con người sẽ có sự chuyển biến rõ ràng.
Hoặc giả, thay vì cố gắng đạt mục tiêu A mà bế tắc, thì bạn hãy thử chuyển hướng đoạn đường đến mục tiêu A’ (gần A) thành chặng đường có giá trị.
Có một câu mà tôi thường dùng mỗi khi gặp khó khăn: “Thôi, cũng chẳng chết được”. Nghĩa là, dù bạn có đau đáu dằn vặt về những chuyện đã qua đến đâu, thì thực sự cũng không giúp ích được gì cho bạn.
Thất bại dẫu bi kịch đến mấy, vẫn không thể so sánh được với cái chết. Suy nghĩ quá nhiều về thất bại cũng chỉ làm bạn xuống tinh thần.
Lúc này, thứ duy nhất bạn cần ở hiện tại, đó là lòng dũng cảm. Bạn không cần dành quá nhiều thời gian chỉ để ám ảnh về những việc đã kết thúc!
Phạm Thị Ngọc Duẩn
Theo dõi
Xin hãy đăng nhập để bình luận
0 Góp ý