Chủ đề
Ông ngoại 70 tuổi chạy xe ôm nuôi cháu vào giảng đường
Trong hành trình đến giảng đường đại học của Đặng Kim Quang Minh – chàng tân sinh viên mồ côi cha mẹ, luôn có hình bóng của ông ngoại 70 tuổi cần mẫn với công việc chạy xe ôm.
Mất cha mẹ từ khi còn nhỏ, Đặng Kim Quang Minh (tân sinh viên Trường đại học Hàng hải Việt Nam) đã nỗ lực đến giảng đường đại học để không phụ lòng ông bà ngoại vẫn đang hết mình cho đứa cháu vốn chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa.
Chạy xe ôm nuôi cháu ngoại mồ côi
Như bao ngày khác, tại một góc ngã ba đường ở phường Trại Chuối (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng), ông Phạm Văn Bơn (70 tuổi) kiên trì đứng đợi khách có nhu cầu đi xe ôm.
Những ngày qua, mấy người bạn nghề gần đó tấm tắc khen ngợi sự bền bỉ của ông lão đã được tưởng thưởng xứng đáng khi Minh – đứa cháu ngoại ông bà một tay chăm bẵm – vừa trở thành tân sinh viên ngành luật của Trường đại học Hàng hải Việt Nam.
Ngày đứa cháu nhận giấy báo trúng tuyển, ông Bơn tự hào lắm. Nhưng rồi âu lo đan xen, bởi Minh đi học đại học đồng nghĩa với chi phí sẽ tăng đáng kể. Khoản thu nhập ít ỏi từ nghề chạy xe ôm vốn chỉ đủ trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, giờ chẳng biết lấy đâu ra đủ tiền cho cháu đi học.
Ông Bơn cho biết trước kia Minh còn học phổ thông, gia đình không phải chịu áp lực kinh tế gì lớn bởi tiền học phí đã được miễn theo chính sách của thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên hiện nay chi phí đại học mỗi tháng của cháu đã “ngốn” mất nửa số thu nhập dao động trong khoảng 4 – 5 triệu đồng từ nghề xe ôm.
Nghĩ đến cháu, ông lại thương cho hoàn cảnh thiếu thốn tình thương của cháu ngoại. Bố mất lúc Minh mới tròn 8 tuổi, một mình mẹ làm lụng vất vả để nuôi đứa con trai duy nhất. Không lâu sau đó, mẹ của Minh cũng bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ và qua đời.
13 tuổi, Minh mồ côi cả bố lẫn mẹ. Kể từ đó cuộc sống của chàng thiếu niên dựa vào ông bà ngoại đã lớn tuổi.
“Biết là khó khăn nhưng tôi vẫn động viên cháu nên học tiếp. Từng là người lính, tôi hiểu những người học cao sẽ có nhiều cơ hội phát triển, khi có trình độ thì việc quản lý mới hiệu quả hơn” – ông Bơn chia sẻ.
Học thật tốt để không phụ lòng ông bà
Thiếu vắng tình thương cha mẹ nhưng bù lại Minh có ý thức tự giác rất cao trong học tập và sinh hoạt hằng ngày.
Trong căn nhà vỏn vẹn 30m² tại khu tập thể thuộc phường Trại Chuối, chàng tân sinh viên Đặng Kim Quang Minh ngồi bệt dưới nền gạch quay mặt vào chiếc ghế đặt ở phòng khách cũng chính là “bàn học” quen thuộc của em.
Minh cho biết vừa hoàn tất thủ tục nhập học chuyên ngành luật hàng hải tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam – cách nhà chỉ khoảng 5km nên cũng giúp tiết kiệm được khoản tiền thuê trọ và ăn uống sinh hoạt hằng ngày.
Để phụ thêm ông bà ngoại, Minh vừa đi học vừa tranh thủ những lúc nghỉ hè làm thêm công việc bán hàng thuê tại cửa hàng quần áo ở trên phố với thu nhập 3 triệu đồng/tháng.
Nhìn cách chàng thanh niên điển trai tự tin giới thiệu từng mẫu quần áo mới mỗi khi có khách vào tiệm, ít ai nghĩ cậu lại là người có nhiều biến cố trong cuộc sống.
Khi giảng viên của Trường đại học Hàng hải Việt Nam giới thiệu về chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ cho Minh, Minh không ngần ngại gửi hồ sơ đăng ký với mong ước sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ cần thiết lúc ban đầu nhập học.
“Thời gian này em đang phải học cố định theo lịch của trường, chờ khi được đăng ký học theo tín chỉ thì sẽ tiếp tục vừa học vừa kiếm thêm việc làm để phụ giúp ông bà” – Minh chia sẻ.
Minh nói sẽ quyết tâm theo đuổi môi trường đại học vừa không để phụ lòng ông bà, vừa để có thêm cơ hội thay đổi cuộc sống thay vì dừng bước đi làm công nhân.
( Theo Tuoitre )