Chủ đề
Khối u tuyến yên và nguy nguy cơ mù lòa
Với kích thước 1,5 x 2,5 cm, u đã gây xuất huyết não cho người bệnh, tạo ra tình trạng nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ mất thị lực.
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Trung Tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, chị Nguyễn Thị Tình (35 tuổi, Bình Dương) đến bệnh viện khám vào khoảng giữa tháng 3 với tầm nhìn, góc nhìn đều suy giảm.
Chị Tình kể, chị thường xuyên bị đau đầu, nhất là cơn đau gần một tháng nay bỗng nặng như búa bổ, rồi giảm dần nhưng âm ỉ không dứt. Gần đây, chị bị thêm triệu chứng mờ mắt nên đến bác sĩ.
Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, chị có một u tuyến yên ở nội sọ đã xuất huyết. U nằm lổn nhổn, vừa u máu cũ, vừa u máu mới, khối u lớn nhanh, hiện cao 2,5 cm và dài 1,5 cm. Khối u chèn ép lên dây thần kinh giao thoa thị giác, gây mờ mắt.
Bác sĩ Tấn Sĩ nhận định, khối u tuyến yên đã lớn và xuất huyết, gây suy hormone tuyến giáp. Nếu không mổ sớm, bệnh nhân có nguy cơ mù lòa, suy giáp.
Theo bác sĩ Phan Vân Đình, ê kíp chọn đường mổ đi từ mũi vào đến khối u, bắt đầu từ dưới xoang bướm đi lên não, sâu khoảng 12 cm. Đường tiếp cận này tuy sâu, khó nhưng ít xâm lấn, không phải vén não, ít gây tổn thương nhất cho người bệnh. Thiết bị định vị Navigation dẫn đường giúp tiếp cận khối u an toàn mà không va chạm hay cắt nhầm vào các bó sợi thần kinh, tránh di chứng hậu phẫu. Nhờ hệ thống kính vi phẫu, các bác sĩ kiểm soát được khối u, cầm máu, cắt xương chính xác. Ca mổ diễn ra trong hai giờ, lấy triệt để khối u.
Sau mổ, bệnh nhân hồi phục thị lực, tiếp tục được theo dõi trong 2 giờ. Sau 3 ngày, sức khỏe người bệnh tiến triển tốt và xuất viện, cần tái khám định kỳ.
Tuyến yên điều khiển nội tiết trong cơ thể. Kỹ thuật mổ lấy u tuyến yên không khó, nhưng loại u này khá dai, chảy nhiều máu và cầm máu khá khó khăn. Nếu bác sĩ không có nhiều kinh nghiệm sẽ lấy không hết u và dễ rách màng nhện, chảy nước dịch não tủy từ trên não xuống, gây viêm màng não rất nặng nề. Trường hợp không có thiết bị, kỹ thuật chuyên dụng giúp đánh nhỏ khối u, phải gắp nguyên cục u, lôi kéo nhiều và lực mạnh sẽ ảnh hưởng đến tuyến yên. Nếu tuyến yên bị xuất huyết đột ngột, thiếu máu nuôi gây suy tuyến yên toàn bộ – đột quỵ tuyến yên, phải mổ cấp cứu.
Thông thường, nếu khối u này nhỏ dưới một cm, bác sĩ có thể không can thiệp, nhưng cần theo dõi trong hai năm. Nếu u tăng kích thước, kỹ thuật bắn tia gamma knife giúp tránh một cuộc mổ trong tương lai, nhưng thường chỉ định cho người trẻ.
Thanh Nguyên
Theo vnexpress.net