Chủ đề
Đu đủ giá trị dinh dưỡng cao, chữa nhiều bệnh
Đu đủ có thể coi là “thần dược” bởi nhiều bộ phận của cây đu đủ không những được dùng làm thức ăn mà còn được dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh. Nhưng nếu ăn nhiều quả đu đủ hoặc dùng đu đủ không đúng cách thì lợi bất cập hại.
Loại quả giàu dinh dưỡng, phương thuốc quý cho sức khỏe
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn – giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết đu đủ không chỉ là một loại quả nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, mà còn là một phương thuốc rất quý.
Trong đu đủ chín chứa khoảng 70% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều carotenoit, axit hữu cơ, vitamin A, B, C, protit, 0,9% chất béo, xenlulôzơ (0,5%), canxi, photpho, magiê, sắt, thiamin, riboflavin….
Đặc biệt, lượng beta caroten trong đu đủ có nhiều hơn trong các rau quả khác. Beta caroten là một tiền chất của vitamin A, vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A.
Đây là một loại vi chất dinh dưỡng có vai trò là chống oxy hóa mạnh giúp chống lại một số căn bệnh ung thư, chống khô mắt, khô da và có tác dụng nhuận tràng. Trong 100g đu đủ chín chứa 2.100 mcg beta caroten.
Ngoài ra, trong đu đủ còn chứa nhiều vitamin. Đu đủ có thể cung cấp cho cơ thể các loại vitamin thiết yếu như vitamin A và vitamin C, trong 100g đu đủ có 74-80mg vitamin C. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các axit gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm.
Từ lâu, đu đủ đã được sử dụng để bồi bổ và chữa nhiều bệnh:
– Thúc đẩy tiêu hóa: Một số hợp chất enzyme trong đu đủ có thể giúp cơ thể phá vỡ và sử dụng protein đúng cách, thúc đẩy sự hấp thụ protein ở những người có các vấn đề tiêu hóa khác. Ăn đu đủ cũng có thể giúp ngăn ngừa táo bón do hàm lượng chất xơ cao.
– Làm dịu chứng viêm: Đu đủ cũng đã được chứng minh là giúp giảm viêm ở những người mắc các bệnh như hen suyễn, viêm khớp, làm chậm sự tiến triển của bệnh mãn tính và đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa một cách tự nhiên.
– Tăng cường máu: Một nghiên cứu trên động vật ở Malaysia được thực hiện trên chuột kết luận rằng những người uống chiết xuất từ lá đu đủ có số lượng tiểu cầu và hồng cầu cao hơn đáng kể sau 72 giờ so với những người khác.
– Tăng cường sức khỏe tim mạch: Đu đủ chứa nhiều vitamin C, một vi chất dinh dưỡng quan trọng hoạt động như một chất chống oxy hóa để bảo vệ chống lại tác hại của các gốc tự do. Nó cũng chống lại quá trình oxy hóa cholesterol, giảm khả năng hình thành mảng bám của cholesterol dọc theo thành động mạch.
Một số nghiên cứu đã phát hiện sự thiếu hụt vitamin C có thể liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn, mặc dù cần có thêm thông tin để xác định cơ chế chính xác. Đu đủ cũng chứa folate, có thể giúp chuyển đổi homocysteine, một loại axit amin có liên quan đến bệnh tim, thành các axit amin khác để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim.
– Chống ung thư: Một số hợp chất được tìm thấy trong đu đủ chín và chưa chín đã được chứng minh là có tác dụng chống ung thư mạnh mẽ. Ví dụ, papain đã được chứng minh là có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các khối u trong các nghiên cứu trên động vật.
Trong khi đó, vitamin C và beta caroten, cả hai đều được tìm thấy trong đu đủ, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư khác nhau. Chất xơ cũng có tác dụng giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
– Ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng: Mỗi khẩu phần đu đủ chứa một lượng lớn beta caroten, một trong những chất dinh dưỡng chính liên quan đến việc duy trì thị lực và bảo vệ sức khỏe của mắt.
Nó cũng chứa lutein và zeaxanthin, hai flavonoid có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng hoặc mất thị lực do tuổi tác. Zeaxanthin đặc biệt giúp lọc ra ánh sáng xanh có thể gây hại cho võng mạc để tối ưu hóa thị lực ngay cả khi bạn già đi.
Ngoài ra, đu đủ cũng giúp làm chậm các dấu hiệu lão hóa:, chống vi rút…
Tác dụng phụ cần tránh
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Viện Y học phóng xạ và ung bướu Quân đội, nhấn mạnh đu đủ rất tốt nhưng cũng ẩn chứa nhiều tác hại không ngờ và nhiều người đại kỵ với đu đủ:
– Người gặp vấn đề về đường hô hấp : Đu đủ chứa enzym papain, là chất gây dị ứng mạnh và do vậy có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn hô hấp. Những người bị những bệnh như sốt mùa cổ khô, hen… được khuyên nên tránh loại quả này.
– Người sỏi thận: Đu đủ chứa vitamin C. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều đu đủ có thể dẫn tới dư thừa vitamin C dẫn tới hình thành sỏi thận, hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người đã mắc bệnh.
– Người bị vàng da, suy gan : Không những đu đủ chín, bí ngô, cà rốt, xoài… đều là những thực phẩm chứa nhiều beta caroten. Nhiều người ăn nhiều thực phẩm này dẫn đến tình trạng vàng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mu bàn tay, mu bàn chân do ứ đọng nhiều beta caroten.
Lá đu đủ có thể làm tăng nồng độ men GGT, ALP và bilirubin thường chỉ ra các bệnh gan đang hoạt động do xuất huyết và viêm. Vì vậy, tốt nhất những người bị suy gan nên tránh hoặc giảm ăn đu đủ. Nếu muốn ăn cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
– Người tiêu hóa kém: Đu đủ là chất nhuận tràng tuyệt vời và là nguồn giàu chất xơ rất tốt cho sức khỏe đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều có thể có tác động xấu đến dạ dày. Lúc này, thay vì điều trị các vấn đề về dạ dày như táo bón và khó tiêu, nó có thể dẫn đến tiêu chảy và đầy hơi.
– Người bị hạ đường huyết: Những người bị hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp nên tránh ăn đu đủ. Ăn quá nhiều có thể dẫn đến các triệu chứng như run rẩy và tim đập nhanh.
Theo Tuổi Trẻ