Dịch mũi khác màu, cơ thể phát tín hiệu gì? - Doctor247

Dịch mũi khác màu, cơ thể phát tín hiệu gì?

Nếu đôi lúc bạn thắc mắc tại sao màu dịch mũi (snot) của mình lại thay đổi khi bị ốm, thì nghiên cứu khoa học mới đây sẽ giúp giải đáp. Dịch nhầy đường mũi không chỉ là “chất cản trở” gây khó chịu, mà còn hé lộ một bức tranh toàn cảnh về tình trạng hệ miễn dịch và cách cơ thể đối phó với nhiễm trùng.

Dịch mũi khác màu, cơ thể phát tín hiệu gì?

Dịch mũi có gì trong đó?

Dịch nhầy (mucus) được tạo ra bởi các mô lót đường mũi. Tuy thường bị coi là phiền toái, nhưng chất nhầy lại có vai trò vô cùng quan trọng: nó hoạt động như một tấm lá chắn bảo vệ, giữ lại bụi, vi khuẩn, virus và các chất kích thích khác, ngăn chúng đi sâu hơn vào hệ hô hấp.

Trong dịch mũi cũng có các enzyme như lysozyme và lactoferrin, sở hữu đặc tính kháng khuẩn. Chúng phá vỡ thành tế bào vi khuẩn và giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Nhờ vai trò này, chất nhầy được xem là “chiến tuyến” phòng ngự quan trọng, ngay cả khi chúng ta không bị ốm.

Quá trình sản sinh dịch nhầy diễn ra liên tục ở các mô lót đường mũi, cho thấy cơ thể luôn sẵn sàng tự vệ. Khi chúng ta nhiễm bệnh, dịch nhầy sẽ thay đổi – trở nên đặc hơn, tiết ra nhiều hơn và đôi khi có màu. Sự biến đổi này phản ánh phản ứng của hệ miễn dịch.

Sự biến đổi của dịch mũi phản ánh phản ứng của hệ miễn dịch

Sức khỏe cơ thể qua màu sắc dịch mũi

Dưới đây là ý nghĩa của một số màu sắc thường thấy ở dịch mũi:

  • Trong suốt (Clear): Đây là trạng thái “bình thường” của mũi khỏe mạnh, hầu hết là nước, kết hợp với protein, muối và tế bào. Dị ứng hoặc giai đoạn đầu nhiễm virus có thể làm tăng tiết dịch mũi trong suốt.
  • Trắng (White): Thường biểu hiện hiện tượng nghẹt mũi. Viêm trong mô mũi sẽ làm dòng chảy dịch nhầy chậm lại, khiến chất nhầy đặc hơn. Đây thường là dấu hiệu khởi đầu của một đợt nhiễm trùng như cảm lạnh, khi hệ miễn dịch vừa bắt đầu “tổng động viên” chống lại tác nhân xâm nhập.
  • Vàng (Yellow): Cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động tích cực để chống lại nhiễm trùng. Tế bào bạch cầu đến tấn công mầm bệnh rồi chết, giải phóng enzyme tạo nên màu vàng. Đây là dấu hiệu điển hình của các bệnh do virus phổ biến như cảm lạnh, cúm hay virus RSV.
  • Xanh lục (Green): Là kết quả của phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Màu xanh lục xuất phát từ enzyme myeloperoxidase được tạo ra bởi bạch cầu trung tính (neutrophil). Mặc dù dịch mũi xanh lục thường gợi ý nhiễm khuẩn, nhưng nó cũng có thể xuất hiện khi cơ thể chống chọi quyết liệt với virus “cứng đầu”.
  • Đỏ hoặc Hồng (Red/Pink): Chứng tỏ có lẫn máu. Tình trạng này xảy ra khi mô mũi bị kích ứng, khô hoặc tổn thương – chẳng hạn do xì mũi quá nhiều hoặc không khí quá khô. Một chút máu thường không đáng lo.
  • Nâu hoặc Cam (Brown/Orange): Có thể do máu khô trộn lẫn với dịch nhầy, hoặc do hít phải các hạt bụi hoặc khói. Tuy nhìn chung không quá nguy hiểm, màu sắc này vẫn có thể ám chỉ sự kích ứng hoặc viêm kéo dài.
  • Đen (Black): Hiếm gặp và có thể liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng như nấm (đặc biệt ở người suy giảm miễn dịch) hoặc tiếp xúc quá nhiều với khói, bụi than. Nếu gặp tình trạng này, nên đi khám y tế.

Cuối cùng, chất nhầy mũi là một phần không thể tách rời trong hệ miễn dịch, hoạt động tích cực bằng cách “bắt giữ” và vô hiệu hóa mầm bệnh có hại. Những thay đổi về màu sắc và độ đặc cung cấp “manh mối” về sức khỏe, giúp phân biệt tình trạng nhiễm virus và nhiễm khuẩn. Đồng thời, chúng bật mí những gì đang diễn ra bên trong cơ thể khi phải chiến đấu để giữ bạn khỏe mạnh.

Lần tới, khi bạn với lấy tờ khăn giấy, hãy nhớ dịch mũi không chỉ là dấu hiệu của bệnh tật – đó là hệ miễn dịch đang triển khai “hành động”. Màu sắc và độ đậm đặc của nó là một câu chuyện về khả năng chống chọi của cơ thể, phản ánh hàng loạt cơ chế phức tạp bảo vệ bạn mỗi ngày.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận