Chủ đề
Chuyên gia hướng dẫn cách cấp cứu ‘dễ nhất’ khi có người sốc nhiệt trầm trọng
Hoạt động, làm việc ngoài trời trong thời tiết nắng nóng gay gắt có thể dẫn đến sốc nhiệt. Việc xử trí cấp cứu tại chỗ cho người bị sốc nhiệt là rất quan trọng, đặc biệt trong 30 phút đầu tiên.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa tổ chức tập huấn xử trí một số cấp cứu thường gặp khi người dân tham gia vận động ngoài trời.
Tham gia chương trình, GS.TS Nguyễn Gia Bình – chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam – cho hay việc cấp cứu ban đầu khi phát hiện người bị sốc nhiệt là vô cùng quan trọng. Điều này quyết định việc có cứu sống được nạn nhân hay không.
Theo GS Bình, có nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt. Trong đó nhóm có nguy cơ cao là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh nền và người lao động, hoạt động ngoài trời.
Đặc biệt, đối với người vận động thể thao ngoài trời, lao động gắng sức dễ xảy ra tình trạng sốc nhiệt.
Triệu chứng của sốc nhiệt, đột quỵ do nhiệt có thể nhận thấy nạn nhân có hành vi bất thường, mê sảng, không đi lại được, mềm nhũn, đại tiện không tự chủ, co cứng cơ, hôn mê, co giật, nôn… nhiệt độ đo qua hậu môn hơn 40 độ C.
“Thời gian cấp cứu nạn nhân sốc nhiệt tốt nhất là 30 phút đầu tiên. Trong đó nếu được hạ nhiệt, cấp cứu trong 15 phút đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng sẽ có cơ hội cứu sống 100%. Trong 30 phút là 80%.
Khi qua 30 phút đầu tiên, cơ hội cứu sống nạn nhân sẽ giảm rất nhanh, chỉ còn khoảng 40% ở phút 60 và sau hơn 1 tiếng chỉ còn 5-10%. Bởi vậy, việc cấp cứu tại chỗ là vô cùng cần thiết và cấp bách”, GS Bình nhấn mạnh.
GS Bình hướng dẫn khi phát hiện người sốc nhiệt, cần ngay lập tức đưa nạn nhân vào chỗ thoáng, có bóng râm. Sau đó cởi bỏ quần áo, đánh giá ý thức của nạn nhân.
Lúc này cần nhanh chóng hạ thân nhiệt cho nạn nhân, đây là điều quan trọng nhất để cứu sống nạn nhân sốc nhiệt. Cần hạ thân nhiệt trước khi chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu.
Theo đó, cần cấp cứu tại chỗ trong vòng 30 phút nhằm hạn chế tối đa tổn thương thần kinh. Dùng 150 đến 180 lít nước + 15kg đá (nhiệt độ của nước dưới 15 độ C) để ngâm. Khi ngâm nước lạnh, chú ý để hở cổ và đầu nạn nhân lên trên nước. Ngâm nạn nhân cho đến khi nhiệt độ trực tràng đo được dưới 39 độ C hoặc thấy nạn nhân rét run.
Nếu không có điều kiện ngâm vào nước lạnh, có thể tận dụng điều kiện sẵn có làm mát tại chỗ phù hợp nhất. Có thể đổ đầy đá, nước và 12 chiếc khăn vào làm mát. Đắp khăn ướt lên người nạn nhân, để nguyên vị trí trong 2 đến 3 phút, sau đó đặt chúng trở lại để làm mát, thay thế bằng các khăn ướt khác.
Tiếp tục xoay vòng sau 2 đến 3 phút, tưới nước lạnh tiếp tục cho nạn nhân bằng vòi sen hoặc vòi nước bình thường.
Nếu có đá nhưng không có bồn, có thể đặt nạn nhân vào tấm bạt hoặc drap trải giường, đắp một lượng lớn đá lên nạn nhân rồi quấn tấm vải xung quanh.
Sau đó, vận chuyển bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, có thể vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt bệnh nhân. Lưu ý, trong trường hợp bị sốc nhiệt, thuốc hạ sốt không có tác dụng, vì vậy không sử dụng thuốc hạ sốt cho nạn nhân.
Sau khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế, các y bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Theo Tuổi Trẻ