Bé trai 3 tháng tuổi mắc bệnh giang mai

Bé trai 3 tháng tuổi mắc bệnh giang mai

Bé trai 3 tháng tuổi được đưa vào Bệnh viện Da liễu Trung ương vì bong vảy ở lòng bàn tay, chân 2 tuần nay, xét nghiệm phát hiện mắc giang mai.

Theo các bác sĩ, với triệu chứng bong tróc da lòng bàn tay, chân, ngoài nghĩ đến các bệnh lý da viêm thông thường như viêm da cơ địa, bác sĩ cũng nghĩ đến căn bệnh giang mai bẩm sinh.

ThS.BS nội trú Nguyễn Doãn Tuấn, Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết bé là con đầu, đẻ mổ đủ tháng, cân nặng khi sinh là 3,5 kg. Bé từng bị vàng da sơ sinh kéo dài 1 tháng.

Bố mẹ bé trai cũng cho biết cả hai đều chưa làm xét nghiệm giang mai, mẹ trong quá trình mang thai không được làm xét nghiệm sàng lọc, kể cả trước mổ. Hiện tại, cả hai không có biểu hiện tổn thương da.

Kết quả xét nghiệm nhanh giang mai của cả 3 thành viên trong gia đình gồm bố, mẹ và em bé đều dương tính khiến họ rất bất ngờ.

Chẩn đoán xác định trên bệnh nhi này là giang mai bẩm sinh sớm và là trường hợp bệnh được truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Bệnh nhi đã được sàng lọc các tổn thương cơ quan bộ phận khác và cho kết quả bình thường.

Đây không phải lần đầu Bệnh viện Da liễu Trung ương phát hiện bệnh nhi giang mai khi còn rất nhỏ tuổi. Cơ sở này từng phát hiện em bé sơ sinh chưa tròn 1 tháng tuổi mắc căn bệnh này.

Hình ảnh tổn thương giang mai của em bé khi được đưa đến bệnh viện. Ảnh: BVCC

Giang mai bẩm sinh và con đường lây truyền

Bệnh giang mai là bệnh do xoắn khuẩn Treponema Pallidum gây nên, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và có thể lây truyền qua đường máu, lây truyền từ mẹ sang con. Mắc bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai có thể gây hậu quả nghiêm trọng như sinh non, đa ối, tử vong thai nhi và giang mai bẩm sinh.

Bệnh giang mai bẩm sinh xảy ra khi mẹ mắc bệnh giang mai truyền vi khuẩn gây bệnh cho thai nhi trong quá trình mang thai, thường xảy ra từ tháng thứ 4 – 5 của thai kỳ.

Triệu chứng bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ

Theo các bác sĩ, tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào thai mà có thể xảy ra các trường hợp: sẩy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong. Các trường hợp nhẹ hơn, em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng thấy xuất hiện các thương tổn giang mai, khi đó gọi là giang mai bẩm sinh sớm. Giang mai bẩm sinh có thể xuất hiện muộn hơn khi trẻ trên 2 tuổi; khi 5-6 tuổi hoặc lớn hơn gọi là giang mai bẩm sinh muộn.

Bệnh giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 2 năm đầu, nhưng hay gặp nhất vẫn là 3 tháng đầu và mang tính chất của giang mai thời kỳ 3 với các triệu chứng như phỏng nước, bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot, nhẹ cân, tuần hoàn bàng hệ, gan to, lách to…

Bệnh giang mai bẩm sinh muộn: Xuất hiện khi trẻ trên 2 tuổi và mang tính chất của giang mai thời kỳ 3, với các triệu chứng như viêm giác mạc kẽ ở trẻ dậy thì, lác quy tụ, điếc cả 2 tai ở trẻ 10 tuổi…

Tuy nhiên, bệnh giang mai bẩm sinh đôi khi không có các triệu chứng trên, chỉ có thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày lưỡi kiếm… đó là di chứng của bệnh giang mai bẩm sinh do các thương tổn từ trong bào thai đã liền sẹo để lại.

(Tổng hợp)

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận