Chủ đề
Trẻ bị ho uống kháng sinh gì, lạm dụng nguy hiểm ra sao?
Nhiều cha mẹ tự ý mua kháng sinh về trị ho cho trẻ vì tin tưởng thuốc này chữa bách bệnh. Tuy nhiên, tùy tiện dùng kháng sinh khi chưa rõ nguyên nhân có thể gây những hậu quả nguy hiểm.
1. Trẻ bị ho khi nào cần dùng kháng sinh?
Kháng sinh là thuốc được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn dùng với mong muốn giảm các triệu chứng ho cho trẻ. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc), đây là điều không cần thiết.
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể. Phản xạ ho có tác dụng giúp tống xuất các dị vật ra khỏi đường hô hấp. Do đó không nên cố gắng tìm mọi cách ức chế ho. Chỉ dùng thuốc giảm ho khi ho làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ, khiến trẻ khó chịu.
Bên cạnh đó, hầu hết nguyên nhân gây ho ở trẻ là do virus, trong khi kháng sinh lại không giúp giảm ho, không trị được ho do virus. Kháng sinh chỉ có tác dụng khi trẻ bị nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn (viêm tai, viêm xoang, viêm phổi…)
2. Một số thuốc kháng sinh thường dùng cho trẻ
Các trường hợp trẻ có thể cần dùng kháng sinh trị ho do nhiễm khuẩn: Viêm họng, viêm amidan cấp mủ, viêm phế quản, viêm phổi…
Các loại thuốc kháng sinh trị ho thường dùng:
– Amoxicillin (Penicillin): Được chỉ định dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới do liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn không tiết penicilinase và H. influenzae.
Kháng sinh amoxicillin được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên số lượng người dị ứng với nhóm thuốc này khá cao. Vì vậy không nên dùng amoxicillin nếu dị ứng với bất kỳ thuốc nào thuộc nhóm penicillin.
– Augmentin (Axit clavulanic + amoxicillin): Dùng trong các trường hợp ho do viêm họng. Không dùng cho người dị ứng với bất kỳ thuốc thuộc nhóm penicillin.
– Azithromycin: Được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi), đường hô hấp trên (viêm xoang, viêm họng, viêm amidan). Đây là loại kháng sinh có tỷ lệ kháng thuốc cao tại Việt Nam, do đó, cần cần sử dụng đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.
3. Mối nguy khi lạm dụng kháng sinh
Việc lạm dụng kháng sinh, dùng kháng sinh không đúng bệnh có thể gây một số nguy cơ:
– Tăng tác dụng phụ của thuốc: Phát ban, phản ứng dị ứng, buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày…
– Gây ngộ độc: Gan và thận ở trẻ em còn rất yếu, chưa hoàn thiện và còn thải trừ chậm, nên nếu sử dụng thuốc kháng sinh thường xuyên sẽ gây tình trạng tích tụ và ngộ độc.
– Nguy cơ kháng kháng sinh: Việc lạm dụng kháng sinh còn làm gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, khiến cho bệnh nhiễm trùng không kiểm soát được mà dễ dàng lây rộng hơn.
4. Sử dụng thuốc kháng sinh trị ho an toàn
Để dùng kháng sinh trị ho an toàn, BS. Nguyễn Hữu Thảo khuyến cáo:
– Không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
– Tuyệt đối tuân thủ liều lượng, thời gian, cách dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định.
– Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.
– Không dùng đơn thuốc cũ, đơn thuốc của người lớn hoặc đơn thuốc của trẻ khác. Bởi mỗi cá thể có tình trạng bệnh và thể trạng khác nhau, phác đồ điều trị cũng khác nhau. Việc tùy tiện dùng thuốc bệnh có thể không khỏi mà còn khiến trẻ mắc thêm bệnh, thậm chí nguy hiểm cho trẻ.
– Để thuốc xa tầm với của trẻ và bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát.
– Sau khi dùng thuốc từ 48-72 tiếng, nếu trẻ không giảm các triệu chứng hoặc các triệu chứng nghiêm trọng hơn, cần đưa trẻ đi khám.
– Khi trẻ dùng kháng sinh, nếu có bất kỳ triệu chứng khác lạ nào, nên trao đổi với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Thông thường triệu chứng ho ở trẻ có thể hết sau vài ngày. Tuy nhiên, nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị nếu trẻ có các biểu hiện: Thở nhanh, rút lõm ngực, tím tái, trẻ mệt, lừ đừ, ho ra máu, chóng mặt, da khô, không chảy nước mắt, tiểu giảm, sốt trên 3 ngày, ho kéo dài trên 14 ngày, trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ ho từng cơn dữ dội kèm đỏ mặt, có tiếng rít sau cơn ho, ho có kèm sổ mũi, khò khè…
( Theo SKĐS )