Truyền thuyết về thiếu Calcium vitamin D - Doctor247

Truyền thuyết về thiếu Calcium vitamin D

Ở Việt Nam, có quá nhiều truyền thuyết về thiếu calcium và vitamin D và phần lớn những truyền thuyết đó là không có cơ sở khoa học.

Trẻ thường xuyên vặn mình là do thiếu calcium hay vitamin D

Em bé sơ sinh vặn mình nhiều và hay giật mình nên được chẩn đoán là thiếu calcium hay vitamin D. Điều này chắc là không đúng rồi. Vặn mình là một biểu hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh. Khi bé mới sinh ra, não của bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên chúng chưa kiểm soát được tay chân và thân mình của chúng. Vì vậy, nên những bộ phận đó cử động ‘vô tổ chức’ hay ‘không kiểm soát’, do đó ba mẹ bé rất lo lắng không biết nó có khó chịu gì không. Và khi đi khám định kỳ, phụ huynh được cho đem về vài thuốc calcium hay vitamin D với chẩn đoán “thiếu calci”. Những thuốc này là thừa đối với bé (ngoại trừ trường hợp bé uống vitamin D bổ sung khi bú mẹ hoàn toàn, vì sữa mẹ không đủ vitamin D). Não của bé sẽ phát triển dần dần theo hướng kiểm soát từ đầu đến chân. Vì vậy, đến khoảng 4 tháng tuổi là đa số các bé kiểm soát được thân mình (nên bé có thể sẽ lật được) và hết vặn vẹo mình. Đôi khi hiện tượng vặn mình này còn được gán cho một số truyền thuyết khác như mọc lông ở lưng hay gì gì đó nữa…

Nói về sự phát triển não bộ của trẻ em, không có bé nào phát triển giống bé nào cả, tuy chiều hướng phát triển của não là tương đối giống nhau. Có nghĩa là về mặt vận động thì não bé sẽ phát triển dần dần (giống như trái cây chín dần) theo hướng kiểm soát từ trên đầu xuống dưới chân. Vì vậy nên những kiểm soát đầu tiên sẽ là kiểm soát cổ (bé sẽ nhấc đầu lên khi bế tư thế đứng), rồi đến kiểm soát lưng và thân mình (bé sẽ lật), rồi đến mông, đùi, chân… (bé sẽ đạp trườn, co chân lên để gặm ngón chân, ngồi, chống chân đứng lên…). Đồng thời những cử động tinh vi cũng sẽ được hoàn thiện hơn: bé sẽ cầm nắm được, với tay ra chụp vật trước mặt một cách chính xác, đưa ngón tay vào miệng mút một cách thiện nghệ, rồi khoảng 1 tuổi là có thể dùng ngón tay bốc nhặt những vật rất nhỏ (hạt đất, con kiến…). Tuy nhiên, giống như những trái cây trên cành chín không đều nhau, có bé sẽ làm được việc này sớm hơn bé khác, nhưng việc khác lại làm trễ hơn bé khác. Có bé sẽ biết lật sớm, nhưng cũng có bé sẽ bỏ qua luôn giai đoạn lật và chuyển sang ngồi hay đứng lên đi luôn. Nếu bé đứng lên đi được thì không việc gì phải bắt bé nằm xuống lật cho “đủ bộ như con người ta”. Và những bé biết ngồi hay đứng lên trễ hơn bé khác cũng không có nghĩa là bé đó bị thiếu calcium hay vitamin D. Điều quan trọng là bác sĩ sẽ phải hỏi kỹ từng giai đoạn phát triển và đánh giá sự phát triển não của bé một cách toàn diện chứ không hẳn dựa vào một triệu chứng đơn lẻ nào để ‘phán quyết’ được.

Sự phát triển não bộ của em bé (hay con người) là một điều kỳ diệu. Càng quan sát và nhận xét sẽ càng phát hiện nhiều điều thú vị. Các ba mẹ hãy dành thời gian quan sát những phát triển về vận động, nhận thức, ngôn ngữ… của các bé và giúp chúng phát triển tốt nhất bằng những biện pháp thật đơn giản nhưng hiệu quả như đối xử với chúng bằng tình yêu thương (cho bé bú sữa mẹ là một cách tốt), trò chuyện với chúng từ lúc chúng còn thơ, cười với chúng, tập cho chúng vận động (để đồ vật cho bé với chụp, đừng cản chúng dùng tay đập một đồ chơi nào đó, nhưng đừng để nó cầm iphone đập nhe) và tránh đối xử với chúng bằng “bạo lực” (tuyệt đối không bao giờ ép ăn).

Trẻ rụng tóc hình vành khăn là do thiếu vitamin D hay còi xương

Rụng tóc hình vành khăn là do thiếu vitamin D hay còi xương. Không biết từ đâu có truyền thuyết này. Có lẽ do sự truyền miệng của người này đến người khác, rồi từ người khác đến người kia, rồi tự người kia đến người kìa, rồi… mà không ai tò mò thắc mắc đặt câu hỏi rồi tìm câu trả lời (hay suy luận). Giá như người lớn còn được óc tò mò như em bé nhỉ! Còn em bé nhỏ thì cứ việc uống calcium và vitamin D dài dài vì những “chẩn đoán” như thế.

Lúc mới sinh, tóc của bé đang ở giai đoạn tăng sinh (mọc tóc). Sau một thời gian ngắn, một phần do sự thay đổi các nội tiết tố (hormon) mà bé nhận từ mẹ trong bào thai, tóc của bé chuyển sang giai đoạn rụng tóc (các bà mẹ sau khi sinh em bé cũng có thể bị rụng tóc vì những lý do tương tự). Theo lý luận bình thường thì chỗ nào trên đầu cọ xát nhiều thì chỗ đó sẽ rụng tóc nhiều thôi. Vậy ở bé nhũ nhi từ 0 – 6 tháng, chỗ nào trên đầu sẽ được cọ xát nhiều nhất? Và khi nằm bé có để yên cái đầu không, hay là luôn ngọ ngoạy quay qua quay lại? Từ đó có thể suy luận được chỗ nào trên đầu sẽ rụng tóc nhiều nhất và hình dạng chỗ rụng tóc là như thế nào. Ở Việt Nam, có nhiều cụm từ rất ngộ nghĩnh và … hay hay như rụng tóc hình vành khăn (như trong truyền thuyết này) hay đổ mồ hôi trộm (như trong truyền thuyết … số 3) hay … nhiều nữa. Tình trạng rụng tóc này ở sơ sinh sẽ thấy rõ nhất lúc khoảng 3 – 6 tháng tuổi. Từ 6 tháng – 1 tuổi, đa số các bé sẽ dần dần ngồi nhiều hơn, lật úp và trườn bò nhiều hơn, vì vậy đến khoảng 6 – 12 tháng tuổi thì đa số các bé sẽ bớt thấy rụng tóc “hình vành khăn” (cũng có khi trễ hơn).

Đổ mồ hôi trộm và ngủ không ngon là do thiếu calcium hay vitamin D

Tôi không hiểu tại sao có chữ “trộm” theo sau từ mồ hôi, có lẽ do nó xảy ra trong đêm chằng? Hay là đổ mồ hôi do… đi ăn trộm?

Nguyên nhân thường nhất của đổ mồ hôi là do nóng (đặc biệt là ở Việt Nam và đặc biệt hơn nữa là ở Sài Gòn). Và nóng ở đây là do cảm nhận của cá nhân đó (tức là của bé, chứ không phải của ba mẹ nó). Thường thì bé có khuynh hướng dễ đổ mồ hôi hơn người lớn, vì thân nhiệt của chúng có khuynh hướng cao hơn người lớn, do chúng hoạt động nhiều hơn, hệ thần kinh giao cảm của chúng mạnh hơn của người lớn (nên nhịp tim và nhịp thở của chúng nhanh hơn người lớn). Với một nhiệt độ phòng nhất định nào đó, người lớn thấy là lạnh, thì với đứa bé có thể thấy là nóng. Nói chung, càng già đi, người ta càng có khuynh hướng sợ lạnh nhiều hơn (các bạn có thể so sánh giữa thanh niên, trung niên và người già về cảm nhận nóng lạnh ở một nhiệt độ phòng nào đó). Vì vậy, người lớn thấy cài máy lạnh ở nhiệt độ 25 độ là có thể thấy lạnh, nhưng đứa bé thì lại thấy rất nóng.

Mặt khác, đứa bé được cho bú sữa nóng thì đương nhiên nó sẽ nóng lên và dễ đổ mồ hôi hơn. Đứa bé cũng không xoay trở đầu thường xuyên được như người lớn, nên đầu của nó dễ bị bí hơn và dễ bị nóng hơn và vì trên đầu có nhiều tuyến mồ hôi nên chúng sẽ đổ mồ hôi nhiều trên đầu. Hoặc nếu nó nằm nhiều thì cũng có thể thấy nó đổ mồ hôi ở lưng. Đó là chưa kể ba mẹ của bé để nhiệt độ máy lạnh khoảng 26 – 30 độ C, rồi còn ‘ủ ấm’ bé nữa thì chắc chắn bé sẽ đổ mồ hôi đầm đìa. Và khi đổ mồ hôi do nóng vậy thì có ai ngủ ngon không nhỉ? Tôi e rằng không rồi. Vậy thì cách làm cho bé bớt đổ mồ hôi và ngủ ngon là để máy lạnh khoảng 20 – 25 độ C, bé phải được hưởng luống gió của máy lạnh đó và không đắp mền hay ủ ấm gì hết. Bé sẽ hết triệu chứng ‘thiếu calci’ đó. Vì vậy, các bé bị đổ mồ hôi và không ngủ ngon ban đêm không bị thiếu calcium hay vitamin D gì cả mà do thiếu cái máy lạnh đủ lạnh đối với bé.

Chậm mọc răng là do thiếu calcium

Rất nhiều ngộ nhận về chuyện mọc răng, mà ngộ nhận nhiều nhất có lẽ là thời gian mọc răng.

Khi mới sinh ra đời, bộ răng sữa của bé đã có sẵn ở đó rồi, còn chuyện chừng nào từng cái răng trong bộ răng đó mọc lên là … chuyện của nó. Khó ai biết được lúc nào những răng đó sẽ nhú ra (chuyện dự đoán khi nào răng sẽ mọc còn khó hơn dự báo thời tiết, mà dự báo thời tiết có khi còn trật lên trật xuống nữa là…). Tuy nhiên, dựa trên quan sát lịch mọc răng rất nhiều bé, người ta thống kê được rằng: khoảng 99% các bé sẽ mọc cái răng đầu tiên (thường là răng cửa dưới) trong khoảng từ 6 – 12 tháng tuổi, một số rất ít trường hợp (khoảng 1%) mọc răng đầu tiên khoảng 3 – 4 tháng tuổi hay sau 12 tháng tuổi (tôi đã gặp một bé mọc răng đầu tiên vào khoảng 16 tháng tuổi và bé này bây giờ răng đầy hàm rồi). Còn chuyện bé bị mất răng bẩm sinh thì lại còn cực kỳ hiếm hơn nữa.

Và bởi vì không có bé nào giống bé nào hết (ngay cả hai bé sinh đôi cùng trứng) nên có bé sẽ mọc răng trước mà cũng có bé mọc răng sau. Vì vậy, nếu con bạn đến 1 tuổi mà vẫn chưa có cái răng nào hết thì bạn cũng không có gì đáng phải lo lắng đâu và đừng quy cho chuyện mọc răng trễ đó là do thiếu calcium hay vitamin D.

Cũng có một vài truyền thuyết về mọc răng như sốt mọc răng hay tước mọc răng. Mọc răng không gây sốt (mặc dù trong lúc mọc răng thì thân nhiệt của bé có thể tăng lên khoảng 0,1 độ C so với những ngày không mọc răng, nhưng đó không phải là sốt). Nếu bé sốt (thân nhiệt từ 38 độ C trở lên) thì nên đi tìm nguyên nhân khác, hơn là quy cho chuyện mọc răng.

Hai hiện tượng xảy ra cũng lúc hay trước sau thì có mối quan hệ về thời gian (temporal relationship) nhưng chưa chắc có mối quan hệ nhân quả (causal relationship).

Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn
Trưởng khoa Nhi Hệ thống phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare TP HCM

Nguồn: Wellcare

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận