Chứng bệnh đáng lo ngại ở Hàn Quốc: Rối loạn tích trữ
Phan Nhi
1 năm trước
Rối loạn tích trữ (hoarding disorder) đang trở thành một hiện tượng đáng lo tại Hàn Quốc.
Chứng rối loạn ám ảnh cả Hàn Quốc
Hồi đầu năm 2015, tờ Korea Bizwire đưa tin một người phụ nữ 54 tuổi bị tòa án quận Uijeongbu kết án 24 năm tù vì sát hại 2 người đàn ông – là chồng và bạn trai. Thoạt nghe qua, người ta dễ cho rằng đây chỉ là một vụ án mạng vì tình thông thường, nhưng điều khiến nó đáng lo ngại là tình trạng tâm thần của thủ phạm.
Cả 2 thi thể nạn nhân đều được giữ trong một thùng cao su tại nhà thủ phạm. Bên cạnh các thi thể, ngôi nhà của bà này còn đầy những thứ lặt vặt và linh tinh, đó là một triệu chứng của chứng rối loạn tâm thần rối loạn tích trữ.
Một ngày trước khi người phụ nữ trên bị kết án, ở Gwangju, tỉnh Nam Jeolla, khoảng 20 viên chức chính phủ, người dân và tình nguyện viên đã đến thăm nhà của một người đàn ông thiểu năng trí tuệ họ Kim. Ngôi nhà của anh ta đầy giấy vụn, sắt vụn và những thứ linh tinh khác gây ra mùi khó chịu. Họ đã dọn 20 tấn rác ra khỏi nhà Kim với sự đồng ý của các thành viên gia đình anh ta.
Korea Bizwire nhận định, không có gì lạ khi một số người có thói quen tích trữ những đồ vật có vẻ vô dụng trong nhà họ. Trong đa số trường hợp, việc tích trữ này là để phân loại đồ có thể tái chế rồi bán lại kiếm tiền.
Tuy nhiên, trong hai trường hợp được đề cập ở trên, họ chỉ tích trữ những thứ đồ linh tinh thêm vào nhà mà không hề bỏ hay bán bớt.
Theo tờ báo trên, rối loạn tích trữ là một rối loạn tâm lý mà người bệnh có xu hướng tích trữ đồ vật trong nhà một cách quá mức và không cần thiết. Các đồ vật này có thể là đồ mới, cũ, vô giá trị, hoặc bất kỳ thứ gì mà người bệnh cảm thấy sợ phải vứt bỏ.
Tình trạng lưu trữ quá mức đồ vật gây ra áp lực về mặt không gian và an toàn trong nhà, và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe do mùi và vệ sinh, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và người sống cùng nhà.
Hoarding disorder là một rối loạn khá phổ biến, và nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường bắt đầu phát triển ở những người trung niên hoặc người cao tuổi. Tuy nhiên, rối loạn này không phải là một thói quen đơn thuần mà là một vấn đề sức khỏe tâm thần và cần được chẩn đoán và điều trị bởi chuyên gia tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần.
Chứng rối loạn này có thể được điều trị bằng thuốc, nhưng khó điều trị hơn các chứng OCD khác.
Một quan chức thành phố Gwangju thời điểm đó cho biết: “Chúng tôi sẽ để mắt đến Kim và tìm cách giúp anh ấy, không chỉ giới hạn trong việc dọn dẹp rác, vì việc tích trữ có thể gây nguy hiểm cho cá nhân, các thành viên gia đình bị ảnh hưởng và cộng đồng nói chung”.
Trong một trường hợp nghiêm trọng, vào tháng 5/2022, một người đàn ông 40 tuổi qua đời vì một lý do tức tưởi là vì đống rác tích trữ 20 năm của mẹ anh ta đè lên.
Báo chí và truyền thông Hàn rất quan tâm tới vấn đề tâm thần này. Thậm chí, một “đội dọn dẹp đặc biệt” từng được giới thiệu trong chương trình “Extreme Job” của đài EBS. “Đội dọn dẹp” này đặc biệt xử lý các trường hợp bệnh nhân rối loạn tích trữ sống trong những căn nhà chật hẹp với hàng núi rác và bản thân đang gặp nguy hiểm vì tình trạng tâm thần hoặc sức khỏe.
Năm 2016, Korea Herald có một phóng sự theo chân Kim Sae-byul. Kim Sae-byul được cho là có một trong những công việc đặc biệt nhất ở Hàn Quốc. Công ty của anh tên là “Bio Hazzard”, cung cấp dịch vụ dọn dẹp sau các vụ giết người, tự sát và chết không có người chứng kiến tại nhà riêng.
Anh cũng thường làm việc với những người mắc rối loạn tích trữ ở Hàn Quốc. Chuyên gia dọn dẹp ở độ tuổi 40 còn xử lý căn nhà của những người neo đơn cho biết, trong nhiều trường hợp thương tâm khi thi thể của họ nằm chung cùng núi rác khổng lồ mà không ai phát hiện suốt nhiều tuần hay nhiều năm.
Một lần, anh được yêu cầu dọn dẹp nhà cho một người đàn ông ở độ tuổi 70. Người này đã chết một mình và được tìm thấy nhiều tuần sau đó. Ông có 40 năm sống một mình, xa lánh vợ con sau khi vào tù vì tội trộm cắp.
Ngôi nhà của ông chất đầy các loại hàng hóa mới tinh, bao gồm cả chảo rán và hàng đống đồ lót mới, chưa sử dụng. Ngôi nhà chật cứng đến nỗi Kim không thể nhìn thấy sàn hay tường.
“Nhiều món đồ đã được mua cách đây 20 hoặc 30 năm”, Kim nói. “Tôi nghe những người con lớn ông ấy nói rằng ông ta đã vào tù sau khi ăn cắp cho các con của mình. Ông ta chưa bao giờ liên lạc với gia đình mình”.
Một số trường hợp cực đoan khác đã được đưa lên các chương trình truyền hình thực tế, trong đó có một cụ bà ở độ tuổi 90 sống một mình với hơn 100 tấn rác, đồ đạc hỏng hóc trong ngôi nhà đầy chuột ở Gayang-dong, tỉnh Gyeonggi.
Căn nguyên của chứng bệnh kỳ lạ
Trong khi tình trạng tâm thần có một số nguyên nhân khác nhau, các nghiên cứu ở nước ngoài và các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng một trong những lý do lớn nhất là sự cô đơn và cô lập xã hội.
Kim Suk-joo, bác sĩ tâm thần tại Trung tâm Y tế Samsung ở Seoul, cho biết: “Sự cô lập với xã hội là nguyên nhân lớn nhất của hầu hết các bệnh tâm thần.
Khi đau khổ vì những mối quan hệ không trọn vẹn với bạn bè và gia đình, một số người bắt đầu hình thành mối quan hệ với đồ vật và động vật. Họ gán ý nghĩa cho chúng, và mọi đối tượng đơn lẻ trở nên đơn giản là không thể thay thế được”.
Mặc dù nguyên nhân của chứng rối loạn tích trữ cho đến nay vẫn chưa được biết rõ ràng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nó xuất hiện như một tâm lý bù đắp để thoát khỏi nỗi đau do tình huống căng thẳng hoặc trầm cảm tột độ gây ra. Các chuyên gia khác phân tích rằng một số cá nhân rất khó để hình thành sự gắn bó với mọi người và đó là kết quả của việc hình thành mối quan hệ gắn bó mạnh mẽ với đồ vật.
Vấn đề là hầu hết mọi người đều khó nhận ra họ đang bị rối loạn tích trữ và rất khó dẫn đến điều trị vì những người xung quanh có thể coi đó là một vấn đề về nhân cách hơn là bệnh. Tuy nhiên, đây là bệnh không tự khỏi mà phải điều trị, nhận thức được điều này rất quan trọng cho cả bệnh nhân và người thân để tìm tới điều trị chuyên nghiệp.
Theo tạp chí Donga Science, bệnh nhân thường gặp phải những suy nghĩ cưỡng chế như mình sẽ cần món đồ đó vào một thời điểm nào đó trong tương lai, khiến việc vứt bỏ trở nên cực kỳ khó khăn với họ.
Trên thực tế, hành vi tích trữ không phải là lạ trong thế giới động vật. Chúng ta đã quan sát được những loài gặm nhấm như sóc và chuột đều có tập tính này. Đối với con người, một phản xạ thường thấy trước tin tức về thảm họa là đi tích trữ nhu yếu phẩm – với tập tính sinh tồn của động vật, chiến thuật tích trữ này đã giúp vượt qua các khủng hoảng đe dọa quần thể.
Tạp chí Tâm thần Hàn Quốc giải thích, ngoài các lý do tâm lý – xã hội, đôi khi nguyên nhân còn nằm ở cả yếu tố di truyền, sinh học của bệnh nhân. Qua các nghiên cứu chức năng não bộ, các chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có liên quan đến mất chức năng thùy trán và giảm chuyển hóa ở thùy chẩm, một số chuyên gia thì giải thích liên hệ của các bệnh tâm thần này với thiếu hụt một số chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin.