Chủ đề
Trong một mối quan hệ, người có vị thế càng cao lại càng dễ ngoại tình
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Archives of Sexual Behavior, những người cảm thấy mình có “vị thế” cao hơn trong mối quan hệ tình cảm thường dễ bị hấp dẫn bởi các đối tượng khác.
“Vị thế” ảnh hưởng đến lòng chung thủy như thế nào?
Nghiên cứu mới từ các nhà tâm lý học tại Đại học Reichman (Israel) và Đại học Rochester (Mỹ) đã chỉ ra rằng người có cảm giác quyền lực hơn trong một mối quan hệ có thể làm tăng nguy cơ ngoại tình. Những người cảm thấy mình có quyền lực cao hơn đối tác thường tự tin hơn, cảm thấy mình hấp dẫn hơn và ít phụ thuộc hơn vào mối quan hệ hiện tại. Điều này khiến họ dễ tìm kiếm các mối quan hệ mới, làm suy yếu cam kết với người yêu hoặc vợ/chồng.
Vị thế này không chỉ là công cụ tăng cường lòng tự tin mà còn tiềm ẩn khả năng khiến một người hành động theo cảm xúc bốc đồng. Điều này đặc biệt rõ ràng khi họ cảm thấy mình có nhiều lựa chọn hơn trong tình yêu.
Nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu bao gồm 4 thí nghiệm để kiểm tra mối liên hệ giữa vị thế trong mối quan hệ với mong muốn ngoại tình:
- Tưởng tượng tình dục: Những người tham gia được kích thích cảm giác quyền lực và yêu cầu tưởng tượng về một đối tác khác.
- Đánh giá ảnh người lạ: Họ được xem ảnh người lạ và đưa ra đánh giá về khả năng hẹn hò với những người này.
- Tương tác trực tiếp: Người tham gia làm nhiệm vụ với một người hấp dẫn (thành viên ẩn danh của nhóm nghiên cứu) và đánh giá mức độ ham muốn của mình.
- Ghi chép hàng ngày: Trong 3 tuần, cả hai đối tác trong mối quan hệ ghi lại cảm giác quyền lực, giá trị bản thân và các hành vi liên quan đến tình dục với người khác như tưởng tượng, tán tỉnh hoặc quan hệ.
Kết quả từ tất cả các thí nghiệm cho thấy những người cảm thấy mình có vị thế cao hơn hơn thường có xu hướng nghĩ đến hoặc hành động theo hướng tìm kiếm đối tác mới. Họ cũng đánh giá bản thân có giá trị cao hơn trong mối quan hệ, điều này có thể dẫn đến suy yếu cam kết với đối tác hiện tại.
Kết quả của nghiên cứu
Giáo sư Gurit Birnbaum, tác giả chính của nghiên cứu, nhận xét rằng “quyền lực” có thể khiến một người tập trung hơn vào nhu cầu cá nhân và ít quan tâm đến cảm xúc của đối tác. Đồng tác giả Harry Reis bổ sung rằng cảm giác này tạo ra niềm tin rằng một người có nhiều lựa chọn trong tình yêu, từ đó làm giảm sự cam kết.
Dù vậy, cảm giác quyền lực này cũng mang lại lợi ích nhất định. Nó giúp tăng cường sự tự tin, cải thiện giá trị bản thân và tạo cảm giác độc lập. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến những hành vi làm tổn thương đối tác và phá vỡ mối quan hệ.
Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ vai trò của vị thế khác nhau trong mối quan hệ. Đây không chỉ là con dao hai lưỡi, mà còn là yếu tố cần được cân nhắc kỹ lưỡng để giữ gìn sự ổn định trong tình yêu. Việc xây dựng mối quan hệ bền vững đòi hỏi cả hai bên đều cảm thấy được tôn trọng và cam kết, bất kể sự khác biệt về vị thế của nhau.
Theo Neuroscience