Chủ đề
Chuyên gia đưa khuyến nghị về sử dụng các nghiên cứu khoa học về thuốc lá mới
Thế giới hiện có nhiều nghiên cứu về thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá mới từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan y tế Công cộng Anh (PHE), Viện Đánh giá Rủi ro Liên Bang Đức (BfR), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế các nước…
Việc lựa chọn nguồn nghiên cứu, cơ quan nghiên cứu để xây dựng chính sách, theo các cơ quan bộ ngành, chuyên gia, là rất quan trọng, vì phải thể hiện tính minh bạch, khách quan, phản ánh đúng bản chất khoa học. Bên cạnh đó, cần hết sức thận trọng khi tham khảo những nghiên cứu có tài trợ từ cả ngành hàng hoặc từ các tổ chức vận động chống thuốc lá, nhằm tránh có dấu hiệu thiên kiến hoặc xung đột lợi ích.
Thông qua tài trợ, các tổ chức nước ngoài đã “chấp bút” chính sách tại nhiều quốc gia
Trong nhiều năm qua, các tổ chức vận động như Vital Strategies, Campaign for Tobacco-Free Kids (CFTK), The Union, SEATCA, HealthBridge Canada… (hoạt động từ cùng một nguồn tài trợ của tỷ phú Mỹ Michael Bloomberg thông qua Quỹ Bloomberg Philanthropies) đã hợp tác cùng cơ quan y tế tại nhiều quốc gia dưới hình thức hỗ trợ thông tin về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, tại nhiều nước đã xảy ra tình trạng những tổ chức này can thiệp sâu vào chính sách kiểm soát thuốc lá, thông qua việc dùng ngân sách tài trợ để đổi lấy những quy định phòng chống thuốc lá theo nghị trình riêng. Tại Philippines, một cuộc điều tra liên bang năm 2021 cho thấy cơ quan quản lý y tế nước này đã nhận được hàng trăm nghìn USD từ tổ chức thuộc Quỹ Bloomberg để vận động hành lang các nhà lập pháp. Thậm chí tại Mexico, người tham gia soạn thảo luật kiểm soát thuốc lá còn là thành viên của CTFK.
Điều này là cấm kỵ tuyệt đối trong xây dựng chính sách, vì sẽ có thể tạo ra tình huống không thể đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp với mục tiêu của từng quốc gia. Nguy hiểm hơn, vì chủ trương bài trừ cứng nhắc hay một chính sách cực đoan sẽ không những không đem lợi ích cho chính phủ, xã hội và người dùng, mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy từ việc hình thành thị trường “chợ đen”.
Chính vì lo ngại việc nhận tài trợ có nguy cơ làm mất chính kiến của quốc gia mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chấm dứt quan hệ hợp tác với Quỹ Bloomberg sau khi các cơ quan tình báo trong nước bày tỏ quan ngại về sự chi phối của các tổ chức thuộc Quỹ này sẽ tác động lên chính sách quốc gia.
Mới đây, BS. Bruno Maia, chuyên gia thần kinh và hồi sức đặc biệt, Nhà sáng lập Hiệp hội Bác sĩ ủng hộ quyền của bệnh nhân, Bồ Đào Nha cũng nhấn mạnh: “Hiện có những tổ chức vận động hành lang khổng lồ được tài trợ bởi tỷ phú Mỹ Michael Bloomberg, nhà tài trợ chính cho các chiến dịch chống thuốc lá trên toàn cầu. Cũng như bất kỳ nhóm vận động hành lang nào khác, các tổ chức chống thuốc lá này hiện trở thành rào cản đối với sự phát triển của khoa học trong lĩnh vực chính sách y tế công.”
Chính kiến trong chính sách kiểm soát thuốc lá mới
Tại phiên giải trình trách nhiệm của các cơ quan quản lý về thuốc lá mới ngày 4/5, một thông điệp được đưa ra là chính sách ban hành cần có chính kiến của quốc gia, dựa trên các sở cứ khoa học, đồng thời đảm bảo tính khả thi, thống nhất của các hệ thống luật hiện nay.
Thông điệp trên tái khẳng định tinh thần chỉ đạo từ rất sớm của cơ quan quản lý Nhà nước, đó là cân nhắc để hài hòa lợi ích của các bên, bao gồm cơ quan y tế, cơ quan quản lý, người dùng, doanh nghiệp. Thuốc lá hiện nay là ngành hàng kinh doanh hợp pháp, được Chính phủ quản lý. Do vậy, mỗi chính sách áp dụng lên ngành hàng này đều tác động trực tiếp đến Chính phủ, ngân sách quốc gia và các mối quan hệ xã hội khác.
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) khuyến nghị, nếu không có khung pháp lý rõ ràng, thị trường có nguy cơ bị chi phối bởi hàng lậu và sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và ngân sách Nhà nước.
Đối với chính sách quản lý thuốc lá mới, bên cạnh ý kiến phản đối của Bộ Y tế, một số đại diện bộ ngành, ĐBQH, chuyên gia cũng có những quan điểm khác biệt. ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, khuyến nghị, thuốc lá không phải là sản phẩm cấm nên cần ứng xử mềm dẻo, chính sách cần được xem xét kỹ lưỡng tác động đến các bên liên quan để tránh hệ quả tiêu cực.
Về bằng chứng khoa học, ĐBQH Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội, cũng cho biết, Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn quốc gia dành cho TLNN do Bộ Khoa học – Công nghệ ban hành năm 2020, hoặc nghiên cứu về TLNN từ nhóm tác giả thuộc Đại học Y Hà Nội. Do đó, ông Ngọc đề nghị, những kết quả nghiên cứu đáng tin cậy này cần được cơ quan quản lý Nhà nước sớm tiếp cận.
Để chính sách quản lý được công bằng, minh bạch, các căn cứ khoa học cũng phải đến từ các nguồn tin cậy và có tính tham chiếu trên toàn cầu, như dữ liệu cung cấp bởi FDA Mỹ, Bộ Y tế Nhật, Anh, New Zealand… Đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy TLNN độc hại hơn thuốc lá truyền thống.
Bên cạnh đó, thông tin từ các tổ chức vận động chống thuốc lá cần được xem xét thận trọng, vì dưới góc độ uy tín, các nguồn này không thể xếp cùng hàng với các nghiên cứu chuyên sâu từ các cơ quan y tế quốc tế hoặc chính phủ các nước.
Theo Dân Trí