Chủ đề
Khám sức khỏe định kỳ [Kỳ 1]: Chủ động phòng bệnh như thế nào để mang lại hiệu quả?
Một số người cho rằng khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản đối rằng nhiều xét nghiệm trong các gói khám sức khỏe không cần thiết và lãng phí. Vậy thực hư như thế nào?
Khám sức khỏe định kỳ có phải là điều tiên quyết để bảo vệ sức khỏe trong thế kỷ 21?
Khái niệm khám sức khỏe định kỳ bắt đầu từ thế kỷ 19, với mục tiêu chính là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ở thời kỳ đó, bác sĩ Horace Dobell từ Anh và bác sĩ Gould từ Mỹ là những người tiên phong thúc đẩy AHE (Annual Health Examination – Khám Sức Khỏe Định Kỳ Hàng Năm). Qua thời gian, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã bắt đầu áp dụng AHE cho khách hàng của họ, vì nhận ra rằng phát hiện bệnh sớm sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của khách hàng và giảm thiểu chi phí điều trị trong tương lai.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn của AHE là không phải bệnh nào cũng có thể được phát hiện thông qua kiểm tra hàng năm. Những bất thường tìm thấy trong các xét nghiệm định kỳ đôi khi không rõ ràng và gây khó khăn cho bác sĩ lẫn bệnh nhân trong việc xác định hướng điều trị chính xác.
Ngày nay, nhiều quốc gia phát triển và các hệ thống y tế tư nhân đã điều chỉnh lại quy trình khám sức khỏe định kỳ, tập trung vào những xét nghiệm có chứng cứ khoa học ủng hộ rõ ràng. Tuy nhiên, tại một số quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, các dịch vụ này lại bị thương mại hóa mạnh mẽ. Nhiều bệnh viện tư nhân đưa ra các gói khám sức khỏe với hàng loạt xét nghiệm không cần thiết, gây tốn kém và không mang lại giá trị y tế thực sự. Điều này không chỉ tạo ra gánh nặng tài chính cho người dân mà còn làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên y tế vốn đã hạn chế. Thậm chí, kết quả dương tính giả có thể tạo áp lực tâm lý cho người bệnh và dẫn đến các can thiệp không đáng có.
Việc tầm soát bệnh là quan trọng, nhưng cần được tiến hành một cách có chọn lọc. Các bác sĩ hiện đại đang được khuyến khích áp dụng phương pháp tiếp cận cá nhân hóa cho từng bệnh nhân, thay vì thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ một cách đồng loạt và mở rộng. Theo nghiên cứu của Kamath và cộng sự, tại Ấn Độ, nhiều gói khám sức khỏe định kỳ bao gồm các xét nghiệm không được quốc tế khuyến cáo, như kiểm tra vitamin D, B12, hormone tuyến giáp, và chức năng phổi, trong khi những xét nghiệm này không thực sự cần thiết đối với phần lớn dân số không có triệu chứng rõ ràng. Đây là một ví dụ điển hình về việc khám chữa bệnh quá mức và không hợp lý.
Cách tiếp cận tầm soát bệnh hiệu quả
Việc khám sức khỏe không nên chỉ dừng lại ở một loạt các xét nghiệm tiêu chuẩn. Thay vào đó, bác sĩ nên tập trung vào những yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân. Ví dụ, những người có chỉ số BMI cao, trên 30 tuổi, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, có thể cần được kiểm tra thường xuyên hơn các người khác. Những xét nghiệm như điện tâm đồ (ECG), kiểm tra huyết áp, và sàng lọc ung thư vú hay cổ tử cung đều có lợi ích rõ ràng cho các nhóm nguy cơ này.
Ngược lại, việc kiểm tra vitamin D, B12, và các hormone tuyến giáp ở người không có triệu chứng cụ thể là không cần thiết. Các bác sĩ được khuyến cáo nên từ bỏ các xét nghiệm này trừ khi có lý do rõ ràng từ tiền sử bệnh hoặc triệu chứng của bệnh nhân. Đặc biệt, các xét nghiệm chức năng phổi (PFT) cũng không nên được thực hiện thường xuyên, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao như người hút thuốc lá lâu năm.
Khám sức khỏe định kỳ chỉ thực sự hiệu quả khi được thực hiện dựa trên nguy cơ và tiền sử bệnh cụ thể của từng cá nhân. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rằng, không phải xét nghiệm nào cũng cần thiết và mang lại lợi ích. Phòng bệnh từ trước, bằng cách chọn lọc các xét nghiệm phù hợp, sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng chi phí, tránh được những căng thẳng tâm lý không đáng có, đồng thời duy trì nguồn lực y tế cho cộng đồng.
Việc tiếp tục triển khai tầm soát sức khỏe chủ động nên được điều chỉnh theo từng trường hợp, dựa trên hướng dẫn của các tổ chức y tế quốc tế và trong nước, nhằm tối ưu hóa lợi ích cho cả người bệnh lẫn hệ thống y tế.