Chủ đề
Cải thiện sức khỏe cho sĩ tử sau áp lực từ kỳ thi THPT
Càng gần giai đoạn nước rút, áp lực từ kỳ thi tốt nghiệp THPT càng đè nặng lên vai của mỗi sĩ tử. Các em vừa tranh thủ từng chút thời gian để ôn luyện, vừa đảm bảo sức khỏe để có thể vượt qua kỳ thi tốt nhất.
Nguy cơ sĩ tử gặp khủng hoảng sức khỏe sau kỳ thi THPT
Thi cử luôn là một trải nghiệm đầy căng thẳng, nhất là các kỳ thi quan trọng như: thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các kỳ thi này khiến không ít sĩ tử phải quay cuồng với lịch học dày đặc, ôn luyện ngày đêm,… P.A (học sinh lớp 12 một trường THPT tại Hà Nội) cho biết thời điểm chạy nước rút, bạn chỉ có 4-5 tiếng để ngủ. Mỗi ngày đều phải hoàn thành việc học trên trường, học thêm rồi ôn thi tới 2h sáng hôm sau.
“Dù thiếu ngủ nhưng em không thể chợp mắt vì luôn lo mình không đủ thời gian ôn thi. Càng tới gần ngày thi, có những hôm đau đầu, mệt mỏi và khó tập trung nhưng em vẫn cố động viên bản thân phải cố gắng, thi xong là được nghỉ ngơi”.
Thời gian này, gia đình nên ưu tiên quan tâm đến sức khỏe của các em trong và sau kỳ thi. Áp lực về tinh thần, sự mất cân bằng giữa học tập – nghỉ ngơi, hay thói quen ăn uống thiếu khoa học trong quá trình ôn luyện đều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của các em.
Điển hình là các bệnh về mắt (giảm thị lực, đau mắt đỏ,..), bệnh tim mạch, bệnh đường tiêu hóa,… Nếu các em không được chăm sóc kịp thời thì rất dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm trong tương lai.
Các biện pháp cải thiện sức khỏe cho con hậu thi cử
Để giảm thiểu tác động tiêu cực hậu thi cử, gia đình cần quan tâm hơn tới các sĩ tử thông qua việc chia sẻ, gần gũi và động viên những gì mà các em đã vượt qua. Bên cạnh đó, gia đình nên có các phương pháp chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần khoa học, kết hợp đưa các em đi kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Một số phương pháp giúp cải thiện sức khỏe cho các em hậu kỳ thi là:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng với 4 nhóm thực phẩm, bao gồm: nhóm tinh bột (ngũ cốc, khoai lang, khoai tây, ngô), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa,…), nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…) và cần tránh thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, nhiều muối, đường.
Ngủ đủ giấc 6-7 tiếng/ngày giúp các em có một tinh thần thoải mái, cũng như thiết lập lại đồng hồ sinh học của cơ thể để chúng hoạt động ổn định trở lại. Tuy nhiên, gia đình không nên thoải mái cho các em ngủ quá nhiều bởi dễ dẫn đến mệt mỏi, choáng váng.
Thiết lập thời gian biểu cân bằng giữa nghỉ ngơi và vận động. Việc làm này không những giúp các em khỏe mạnh về thể chất, mà sức khỏe tinh thần cũng được cải thiện. Khuyến khích tập thể dục với các bộ môn như chạy bộ, đạp xe, cầu lông,.. hoặc tham gia vào câu lạc bộ mà các em yêu thích.
Đi du lịch cùng gia đình hoặc bạn bè. Đây cũng là cách hiệu quả giúp các em giảm bớt lo lắng và áp lực.
Theo Dân Trí