Chủ đề
Phân biệt mụn nước do tay chân miệng và do thủy đậu
Triệu chứng nổi mụn nước của tay chân miệng tương tự với thủy đậu, làm sao để phân biệt hai bệnh?
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước có gần 9.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 3 bệnh nhân tử vong. Số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Bệnh thủy đậu và tay chân miệng có thể gây những biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Cả hai bệnh có thể lây truyền nếu tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang mầm bệnh và gây ra các nốt ban phỏng nước trên da. Do đó, cần xác định bệnh sớm để tránh nhầm lẫn, dẫn đến diễn biến nặng.
Về thời điểm: Thủy đậu có thể xuất hiện rải rác quanh năm, cao điểm vào mùa đông xuân. Bệnh tay chân miệng có hai đỉnh dịch trong năm là tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11.
Về độ tuổi: Bệnh thủy đậu xuất hiện ở đa lứa tuổi, chủ yếu gặp ở trẻ em từ 1-14 tuổi (90%), phổ biến nhất ở trẻ từ 2-8 tuổi. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng phổ biến ở những trẻ dưới 5 tuổi.
Về đường lây truyền: Cả hai bệnh đều có thể lây truyền khi tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với nước bọt, chất dịch từ nốt phỏng của người bệnh trên đồ dùng cá nhân, vật dụng trong nhà. Với bệnh tay chân miệng, bệnh còn lây truyền qua đường phân – miệng.
Về triệu chứng: Ngoài nổi các nốt ban dạng phỏng nước trên da, sốt và mệt mỏi là hai trong số các triệu chứng đặc trưng của bệnh thủy đậu. Trẻ bị tay chân miệng ngoài sốt còn có thể đau họng, mệt mỏi, tiêu chảy.
Về đặc điểm nốt ban dạng phỏng nước:
Ở bệnh thủy đậu: Kích thước ban từ 5-10 mm. Nốt ban mọc nhiều giai đoạn, có thể là ban đỏ, nốt sần, phỏng nước trong, phỏng nước đục, nốt có vảy mọc xen kẽ nhau. Nốt phỏng nước có thể xuất hiện toàn thân gây cảm giác ngứa, đau, nhức rất khó chịu.
Ở tay chân miệng: Kích thước nhỏ hơn ban thủy đậu, từ 2-3 mm. Nốt phỏng nước không ngứa không đau. Ban đỏ có mụn nước hình bầu dục và mọc ở những vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Đặc biệt nốt phỏng nước có thể mọc ở miệng, họng làm loét miệng, họng khiến trẻ tăng tiết nước bọt, biếng ăn, lười bú và quấy khóc.
Cả hai bệnh trên khi khỏi ban đều không để lại sẹo, chỉ xuất hiện sẹo (sẹo lõm nông với thủy đậu, vết thâm với bệnh tay chân miệng) trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn khác.
Khi trẻ có dấu hiệu bệnh, phụ huynh cần cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn để tránh lây lan sang trẻ khác. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ. Đồ chơi, vật dụng trẻ hay cầm nắm cần được thường xuyên rửa sạch với xà phòng, dung dịch diệt khuẩn, phơi khô. Lau sàn nhà mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra bội nhiễm, biến chứng.
Hiện bệnh tay chân miệng chưa có vaccine còn bệnh thủy đậu đã có vaccine phòng bệnh. Để chủ động phòng bệnh, người lớn và trẻ em khi đủ 9 tháng tuổi nên tiêm phòng thủy đậu. Nhiều nghiên cứu cho thấy 88-98% người đã tiêm vaccine miễn dịch hoàn toàn với thủy đậu. Khoảng 2% còn lại mắc bệnh với triệu chứng nhẹ, ít gặp biến chứng. Hiện nay, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC có 3 loại vaccine phòng thủy đậu, gồm: Varilrix(Bỉ), tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn; Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn.
BS Hoa Tuấn Ngọc
Quản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC
Theo VnExpress