Chủ đề
Làm sao để không lo âu về chứng Rối loạn lo âu?
Ths. BS Lê Đình Phương (Trưởng Khoa nội tổng quát Bệnh viện FV Sài Gòn) chia sẻ những nguyên nhân dẫn tới rối loạn lo âu và trầm cảm, hai vấn đề sức khỏe tâm thần ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay.
Rối loạn lo âu, từ đâu… nên nỗi?
Theo bác sĩ Phương, trong xã hội hiện đại, rối loạn lo âu và trầm cảm đang trở thành những vấn đề sức khỏe tâm thần ngày càng phổ biến. Thống kê cho thấy rằng rối loạn lo âu chiếm ít nhất từ 7% đến 15% trong cộng đồng, trong khi tỷ lệ trầm cảm có thể lên tới 25%.
Ở Việt Nam, nghiên cứu y học ghi nhận một tỷ lệ cao của rối loạn lo âu và trầm cảm trong dân số, ước tính khoảng 15 triệu người bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.
Rối loạn lo âu và trầm cảm không chỉ là những trạng thái tâm lý thông thường mà mỗi người gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Đây là những bệnh lý nghiêm trọng, kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng sống của chính bệnh nhân và những người chung quanh.
Nguyên nhân của rối loạn lo âu và trầm cảm có thể bao gồm yếu tố di truyền, các yếu tố bản thân và môi trường xã hội. Đặc biệt, trong thời gian khó khăn như đại dịch Covid-19, tỷ lệ mắc bệnh này còn tăng cao hơn, do áp lực từ môi trường xã hội và sự lo lắng về tương lai.
Những triệu chứng phổ biến và cách giải quyết
Các triệu chứng của rối loạn lo âu và trầm cảm không nhất thiết phải là những triệu chứng tâm lý nặng như trầm uất, tự cô lập, hoảng loạn. Mà có thể biểu hiện qua các triệu chứng cơ thể rất phân tán như đau ngực, đau đầu, đau bụng, hồi hộp, đánh trống ngực hoặc mất ngủ. Những triệu chứng cơ thể mơ hồ và có tính phân tán này gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị sớm. Tuy nhiên, có những phương pháp điều trị hiệu quả và đã được nghiên cứu nghiêm túc.
Theo bác sĩ, để giải quyết vấn đề này việc hiểu rõ nguyên nhân và các phương pháp điều trị mới là rất quan trọng. Đây là những bước đầu tiên quan trọng trong việc giảm bớt tác động của rối loạn lo âu và trầm cảm đối với cộng đồng.
Ngoài những liệu pháp tâm lý, sự hỗ trợ của người thân, gia đình, bạn bè, các thuốc đặc trị có thể giúp cải thiện rất nhiều trạng thái lo âu, trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy những thuốc này có thể hiệu quả trong ít nhất 80% trường hợp, nếu được một bác sĩ có kinh nghiệm theo dõi điều trị.
Các nghiệm pháp “tự chữa lành” có thể giúp ích một phần. Tuy nhiên, chúng không có tác dụng rõ rệt và đặc hiệu như thuốc đặc trị.
Để đạt được điều này, sự chia sẻ thông tin và nhận thức của cộng đồng cũng cần được nâng cao. Việc tạo ra môi trường thân thiện và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi rối loạn lo âu và trầm cảm cũng là một phần quan trọng của quá trình điều trị.
Tóm lại, rối loạn lo âu và trầm cảm không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là một thách thức lớn đối với xã hội. Chỉ thông qua sự hiểu biết và cộng tác giữa bệnh nhân và thầy thuốc chúng ta mới có thể đối mặt và vượt qua những bệnh lý này một cách hiệu quả.
Ths. BS Lê Đình Phương