Chủ đề
Sinh con đầu lòng ở tuổi 45 sau 8 lần thai lưu
5 lần thai lưu, 3 lần chửa ngoài tử cung, người phụ nữ 45 tuổi sinh thành công bé gái sau 18 năm, được cho là trường hợp hiếm.
Ngày 7/12, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết đây là lần mang thai thứ 9 của thai phụ. Trước đó, chị từng 5 lần thai lưu, 3 lần chửa ngoài tử cung, nhiều lần thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không thành công. Lần chuyển phôi này, chị quyết định nếu thất bại thì sẽ dừng can thiệp hỗ trợ.
Thai phụ may mắn chuyển phôi thành công và có thai, được cho là hiếm gặp. Trong quá trình mang thai, chị mắc tiểu đường thai kỳ, phải điều trị và theo dõi cẩn thận. Ở tuần thai 38, bác sĩ đánh giá đây là thời điểm phù hợp để mổ lấy thai. Bé gái chào đời khỏe mạnh, nặng 2,8 kg, “là thành quả xứng đáng sau 18 năm chờ đợi”.
Theo các bác sĩ, trường hợp của sản phụ này lớn tuổi, việc thụ tinh ống nghiệm cũng rất khó khăn. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và sinh đẻ khi đã lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường cao hơn. Mẹ càng lớn tuổi, nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo.
Tại Việt Nam, hầu hết trường hợp mang thai ngoài 50 tuổi đều nhờ can thiệp hỗ trợ sinh sản. Trong đó, sản phụ 61 tuổi, ở Hà Nội, là trường hợp lớn tuổi nhất, mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng của người hiến tặng và tinh trùng người chồng, bé gái chào đời năm 2018 nặng 2,6 kg.
Một sản phụ khác, 60 tuổi, ở Bắc Giang, sinh con lần ba, cũng nhờ thụ tinh ống nghiệm. Một phụ nữ khác sinh con trai ở tuổi 58 sau khi mãn kinh được hai năm, phải xin noãn của người khác để thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo VNExpress