Làm cách nào để có thể nhận biết chứng khô khớp? - Doctor247

Làm cách nào để có thể nhận biết chứng khô khớp?

Chứng khô khớp là một vấn đề thường gặp, nhưng làm sao để nhận biết nó? Hãy cùng tìm hiểu và khám phá cách nhận biết chứng khô khớp nhé!

Khớp phát ra tiếng lục cục, lạo xạo hoặc răng rắc là triệu chứng đặc trưng và dễ nhận biết nhất của tình trạng khô khớp.

Khô khớp xảy ra khi khớp không sản sinh hoặc sản sinh không đủ chất nhờn bôi trơn sụn khớp. Tình trạng này thường xảy ra ở các khớp lớn như khớp gối, khớp vai, khớp tay, khớp háng, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng như: biến dạng khớp và teo cơ, hạn chế hoặc mất khả năng vận động.

Khô khớp không chỉ tác động đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng tinh thần người bệnh. Những cơn đau cứng khớp kéo dài có thể làm người bệnh khó chịu, căng thẳng, mất ngủ…

trieu-chung-benh-kho-khop-anh-1
Khô khớp là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi hoặc những người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Ảnh: Freepik

Khô khớp là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi hoặc những người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

ThS.BSNT Trần Thị Trinh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh khô khớp thường rất khó phát hiện vì các triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu chú ý, người bệnh vẫn có thể nhận thấy một số dấu hiệu bất thường như:

Đau khớp: Ban đầu, người bệnh sẽ đau nhẹ, thoáng qua ở khớp mỗi khi thực hiện những động tác co, duỗi, xoay khớp, thay đổi tư thế vận động đột ngột. Lâu dần, cơn đau khớp xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Mỗi khi vận động nặng, đi lại, chạy, nhảy… mức độ đau cũng dữ dội hơn.

Cứng khớp: Ngoài cảm giác đau nhức, người bệnh còn cảm thấy căng cứng khớp, khó co duỗi, đặc biệt là vào buổi sáng.

Khớp phát ra tiếng: Khi thực hiện các cử động cơ thể, những khớp bị khô sẽ phát ra tiếng lục cục, lạo xạo hoặc răng rắc. Đây là triệu chứng đặc trưng và dễ nhận biết nhất của tình trạng khô khớp.

Hạn chế vận động: Khi khớp bị khô nghiêm trọng, độ linh hoạt của khớp bị suy giảm, gây khó khăn trong vận động, đi lại và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Ngoài ra, một số trường hợp khô khớp còn xuất hiện những triệu chứng sưng, nóng, đỏ tại vùng da quanh khớp.

trieu-chung-benh-kho-khop-anh-2
Bác sĩ tư vấn về sức khỏe xương khớp cho người bệnh.

Khi đã xác định được tình trạng khô khớp, tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lên những phác đồ điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị đang được áp dụng phổ biến bao gồm:

Dùng thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng một số loại thuốc giảm đau, giảm viêm, tăng tiết dịch nhờn để cải thiện tình trạng khô ở các khớp. Khi sử dụng những loại thuốc này, người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn từ bác sĩ để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra như đau dạ dày, rối loạn đường máu, cứng khớp…

Tiêm chất nhờn vào khớp: Chất nhờn acid hyaluronic làm tăng trọng lượng và nồng độ phân tử của acid hyaluronic nội sinh. Qua đó, cải thiện tình trạng khô khớp, giảm ma sát những đầu xương, giúp khớp hoạt động trơn tru và giảm đau. Tuy nhiên, loại chất nhờn này chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn. Sau một khoảng thời gian, người bệnh có thể cần phải tiêm lại.

Vật lý trị liệu là những bài tập giúp gia tăng sức mạnh và độ dẻo dai cho cơ xương khớp. Khi chức năng vận động của xương khớp được cải thiện, việc điều tiết dịch trong khớp sẽ đều đặn hơn, giảm khô khớp từ bên trong. Những bài tập này sẽ được bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu thiết kế riêng dựa trên tình trạng của mỗi người bệnh.

Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng, được chỉ định khi điều trị nội khoa không hiệu quả, khô khớp nghiêm trọng, đặc biệt là khi khớp bị tổn thương hoàn toàn, gần như không còn sụn khớp bao phủ bề mặt xương. Để khôi phục hoạt động bình thường của sụn khớp, bác sĩ có thể chỉ định thay khớp nhân tạo.

Bác sĩ Trinh khuyến cáo, dù khô khớp không đe dọa tính mạng của người bệnh nhưng nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi các triệu chứng cảnh báo khô khớp kéo dài trên một tuần, người bệnh nên nhanh chóng tới những cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để bác sĩ thăm khám.

Thanh Nguyên

Theo vnexpress.net

 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận