5 gợi ý giúp bạn "an toàn" hơn khi đối mặt với rượu bia vào dịp lễ - Doctor247

5 gợi ý giúp bạn “an toàn” hơn khi đối mặt với rượu bia vào dịp lễ

Giao thừa, Tết Dương lịch, tiệc cuối năm và vô vàn bữa tiệc khác vào khoảng thời gian cuối năm nay, đầu năm sau là thứ mà chúng ta không thể tránh khỏi. Và khi tiệc tùng mở ra thì rượu bia trở thành thứ không thể thiếu.

5 gợi ý giúp bạn "an toàn" hơn khi đối mặt với rượu bia vào dịp lễ

Tác động của rượu bia hay đồ uống có cồn nói chung lên cơ thể con người là thứ đã nói đi nói lại quá nhiều lần. Cũng đã có quá nhiều thống kê liên quan đến những sự việc xảy ra mà nguyên nhân chính là bia rượu.

Mới đây, trong nghiên cứu được thực hiện tại Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu Rượu Hành Vi (BAR) thuộc Đại học Washington, nhóm các nhà khoa học đã chia các sinh viên thành 4 nhóm để so sánh tác động của “niềm tin” về việc uống rượu với tác động thật sự của rượu.

  • Nhóm thứ nhất tin mình được uống rượu và thực sự được uống;
  • Nhóm thứ hai tin mình không uống và thực sự cũng không có rượu;
  • Nhóm thứ ba tin mình được uống nhưng thật ra là không;
  • Và nhóm thứ tư tin mình không uống nhưng lại được cho rượu.

Quan sát hành vi xã hội sau khi uống cho thấy, những người tin rằng họ đang uống rượu (dù thực tế không có cồn) vẫn tăng tương tác, trở nên hoạt náo; trong khi những người thật sự uống rượu nhưng không biết mình uống (tưởng không có cồn) lại không thể hiện sự hào hứng hay hòa đồng như mong đợi.

Kết quả cho thấy ảnh hưởng xã hội tích cực thường quy cho là do rượu mới có được, thực chất, nó lại đến từ tâm lý, kỳ vọng và bối cảnh xã hội, chứ không hẳn do tác động sinh lý của cồn. Nói cách khác, “chất xúc tác” xã hội không nằm trong chất lỏng mà nằm ở suy nghĩ và hoàn cảnh.

Nghiên cứu này đặt ra câu hỏi về quan niệm phổ biến rằng rượu giúp tăng cường kỹ năng giao tiếp. Đồng thời gợi ý rằng cảm giác thoải mái và cởi mở trong tương tác có thể đạt được mà không cần đến rượu. Nhưng trong trường hợp bắt buộc phải uống thì sao, đây là 5 gợi ý giúp bạn “sống sót” sau những bữa tiệc như vậy:

Kết quả cho thấy ảnh hưởng xã hội tích cực thường quy cho là do rượu mới có được, thực chất, nó lại đến từ tâm lý, kỳ vọng và bối cảnh xã hội

1. Giảm hoặc không uống rượu

Hãy uống ít hơn – hoặc không uống. Nếu ai đó muốn tránh hoàn toàn các tác động không mong muốn, thì chọn đồ uống không cồn có thể là cách mà họ nên chọn.

Nếu bạn quyết định uống, hãy giảm bớt tác động của rượu bằng cách xen kẽ một ly nước sau mỗi ly đồ uống có cồn. Điều này giúp kiểm soát tốc độ uống và hỗ trợ bù nước. Bù nước cũng giảm khả năng bị đau đầu, mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Và nên nhớ, bạn hoàn toàn có quyền từ chối.

2. Không uống khi bụng đói

Lời khuyên nên ăn trước hoặc trong khi uống rượu là hoàn toàn đúng. Khi uống lúc bụng đói, rượu được hấp thu vào máu nhanh hơn (và có thể làm nồng độ cồn trong máu cao hơn. Ăn sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

Vậy nên, bạn cứ thoải mái gọi đồ ăn nhẹ trước khi “xông trận.”

3. Đếm số đơn vị rượu, không chỉ đếm số ly

Hãy chú ý đến số “đơn vị” đồ uống tiêu thụ, thay vì chỉ đếm số ly rỗng.

Ví dụ, một ly cocktail có 2 shot rượu mạnh được tính là 2 đơn vị rượu tiêu chuẩn, dù nó chỉ ở trong một ly. Tương tự, một ly rượu vang lớn thường vượt quá một đơn vị tiêu chuẩn.

Tại Mỹ, một đơn vị rượu tiêu chuẩn chứa khoảng 14 gram cồn nguyên chất, tương đương với khoảng 12 ounce (355 ml) bia thường (5% cồn), hoặc 5 ounce (148 ml) rượu vang (12% cồn), hoặc 1,5 ounce (44 ml) rượu mạnh (40% cồn, 80 proof).

Lời khuyên nên ăn trước hoặc trong khi uống rượu là hoàn toàn đúng

4. Bọt khí là “kẻ thù”

Hãy lưu ý đến vai trò của khí ga trong đồ uống. Đồ uống càng sủi bọt, cơ thể càng hấp thụ rượu nhanh hơn. Đó là lý do vì sao người ta cảm thấy say champagne rất nhanh.

Điều này cũng đúng với các loại nước pha có ga. Một ly vodka pha tonic có thể khiến bạn say nhanh hơn vodka pha nước nam việt quất (cranberry) vì tonic có ga.

Đây là thông tin hữu ích nếu bạn đang uống champagne hoặc đồ uống có gas trong các sự kiện lễ hội hay tiệc công ty.

5. Luôn để mắt đến ly của bạn

Phải biết rõ thứ bạn đang uống. Nếu bạn thực sự muốn giảm rủi ro hoặc tác hại, đừng nhận đồ uống nếu bạn không biết rõ thành phần bên trong. Một ly đồ uống có thể chứa lượng cồn vượt mức tiêu chuẩn, khiến bạn say hơn bạn tưởng.

Bạn cũng đừng để ly của mình lại một cách lơ là. Thật “nguy hiểm” nhưng vẫn có khả năng ai đó bỏ gì đó vào đồ uống khi bạn không để ý.

Đồng thời, luôn hãy tuần thủ pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân và moi người xung quanh. Hãy chuẩn bị kế hoạch di chuyển an toàn nếu bạn định uống.

Theo CNN

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận