Ngày quốc tế xóa nghèo 17-10: Cho tương lai ấm no, hạnh phúc và giàu mạnh - Doctor247

Ngày quốc tế xóa nghèo 17-10: Cho tương lai ấm no, hạnh phúc và giàu mạnh

Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo 17-10 hướng tới kết nối mọi người từ khắp nơi trên thế giới cùng chung tay trong cuộc chiến chống đói nghèo. Chủ đề này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh 100 triệu người trên thế giới có nguy cơ rơi vào đói nghèo sau đại dịch Covid-19, đe dọa việc thực hiện mục tiêu của Liên hợp quốc đẩy lùi đói nghèo cùng cực từ nay đến năm 2030.

Người nông dân gia tăng sản xuất, thu hoạch để có lương thực đầy đủ. Ảnh minh hoạ.

Không ai tụt lại phía sau

Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo hàng năm luôn là cột mốc kết nối mọi người trên khắp trên thế giới cùng chung tay hành động để đạt được công bằng xã hội và môi trường cho tất cả; nỗ lực phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa đói nghèo và bất bình đẳng nhằm thiết lập một quá trình toàn cầu hóa công bằng và “không để ai bị tụt lại phía sau”.

Tại Việt Nam, sau hơn ba thập kỷ đất nước đổi mới, những thành quả tốt đẹp từ hàng loạt các chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ đã cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền ngược với miền xuôi.

Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu.

Kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở Việt Nam thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, người dân có hoàn cảnh khó khăn không chỉ hỗ trợ mà còn tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, chương trình tín dụng chính sách xã hội. Điều này góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn.

Hàng ngàn người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cải thiện đời sống nhờ tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố. Dù nguồn hỗ trợ không nhiều nhưng đã giúp người vượt qua những khó khăn, nhất là thời điểm sau đại dịch COVID-19.

Khác với các ngân hàng thương mại, mô hình hoạt động tín dụng chính sách xã hội có điểm khá đặc biệt. Đó là có sự phối hợp giữa đơn vị ngân hàng với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể như hội nông dân, phụ nữ, thanh niên… Việc quản lý hộ vay được thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn mà ngân hàng chính sách xã hội, các đoàn thể… đã xây dựng ở từng khu phố, từng ấp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các địa phương triển khai tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo nhu cầu vay của của đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần quan trọng trong việc ổn định cuộc sống cho người dân, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của gia đình và địa phương.

Không những vậy, chương trình còn góp phần từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi hiện nay.

Những tiến bộ đáng kể

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo suốt thập kỷ qua. Tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2020, có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo đã giảm xuống còn 5 triệu người vào năm 2020.

Đặc biệt tình trạng nghèo kinh niên ở một số nhóm dễ bị tổn thương nhất của Việt Nam, bao gồm các hộ gia đình thiểu số và nông thôn, đã giảm 50% hoặc hơn.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020 đã đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,75% vào năm 2019 và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%.

Báo chí quốc tế cũng đánh giá cao nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Việt Nam từ cây cà phê. Với nỗ lực không ngừng, Việt Nam hiện đã trở thành một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, góp phần vào chương trình xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Trang Borgen Project nhận định rằng với những chính sách và hướng dẫn đúng đắn, ngành cà phê Việt Nam có thể cải thiện hơn nữa nền kinh tế, mang lại cơ hội thu nhập và nâng cao mức sống cho rất nhiều người dân ở Việt Nam, và một trong những nỗ lực thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Hướng đến giảm nghèo bền vững và công bằng

Bên cạnh những thành tựu đó nổi bật đó, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững tại một số địa phương. Tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chênh lệch giàu – nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên…

Vì vậy, một trong các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chương trình là chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi. Đến năm 2025 giảm ít nhất 25% tỷ lệ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia, duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1-1,5%/ năm; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 3,5-4%/ năm.

Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý rằng vẫn còn một số thách thức tại Việt Nam. Ví dụ, khoảng 13,6 triệu người Việt Nam vẫn “dễ bị tổn thương về mặt kinh tế”, nghĩa là họ phải sống dựa vào các nghề có thu nhập thấp và phải đối mặt với tình trạng bất ổn tài chính. Do đó, Ngân hàng Thế giới đã ưu tiên các chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng.

Tạp chí chuyên về xóa đói giảm nghèo toàn cầu Borgen Magazine đánh giá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Dù vậy, Việt Nam vẫn có thể làm được nhiều điều hơn nữa, đặc biệt là thông qua phát triển giáo dục, nâng cao trình độ cho người nghèo để họ tự thoát nghèo.

Tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận