Xuyên qua đau thương năm cũ, học sống yêu thương năm mới - Doctor247

Xuyên qua đau thương năm cũ, học sống yêu thương năm mới

Nhiều năm trước, tôi nghĩ rằng tôi có thể hình dung ra được sự mất mát như thế nào. Nhưng đến khi chính bản thân mình trực tiếp nếm trải, tôi mới nhận ra không một sức mạnh ngôn từ nào có thể mô tả nỗi tang thương mà bản thân đã từng đi qua.
Đó là loại đau buồn đằng đẵng không thể che giấu, ẩn mình và len lỏi vào mọi ngóc ngách, xuất hiện mỗi sáng khi tỉnh dậy, mỗi tối trước khi chìm vào giấc ngủ. Nó gặm nhắm khiến kiệt sức từng giờ, từng phút, và từng giây mà không cần phải làm gì. Thi thoảng cứng rắn được, nhưng những chu kỳ bất định lặp lại, những lúc đó sẽ chỉ nghĩ, và khóc nhiều hơn.
Năm mới học cách ưu tiên và gìn giữ niềm tin – Ảnh minh hoạ

Xuyên qua đau thương

Những đêm không ngủ được. Kí ức ùa về, những thước phim quay chậm từng ngày khoét sâu, và kéo dài vô tận. Tựa như những cựu chiến binh ôm trọn trong lòng những hồi ức, chỉ có những người kinh qua chiến trận mới hiểu. Khoảng trống tôi từng rơi vào, là sự dùng dằng để nắm giữ một điều gì đó, và gượng dậy.
Cái tôi học được là không có con đường nào đi vòng quanh sự thương đau, mà chỉ có thể đi xuyên qua nó.
“Tôi không biết làm sao mà bạn có thể chịu đựng được những nỗi đau như vậy. Tôi không chắc là tôi có thể làm được như bạn.” Chúng ta thường hay nói câu thương xót này với người đối diện để an ủi và đồng cảm, nhưng trong hoàn cảnh ấy, bạn có còn cách chọn lựa nào khác không?
Chúng ta cần một cách khác, một con đường khác. Nhưng cách nào, con đường nào? Dĩ nhiên là không. Tất cả chúng ta đều ôm nỗi đau vào lòng, và tiếp tục sống.
Một người sếp của tôi đã từ giã cõi đời cách đây vài ngày sau một thời gian chống chọi với bệnh tật và trị liệu khắc nghiệt. Trước cú đánh của số phận, sự sống như chỉ mành treo chuông, chị là một trong những phụ nữ kiên cường với một tinh thần thép khó mà quật ngã nhất mà tôi biết.
Chúng tôi thường gọi chị là “iron lady”. Ngọn đèn bây giờ đã tắt, không thể mượn thêm thời gian được nữa, dù chị vẫn còn trẻ và còn một cuộc đời với nhiều điều dang dở.
Dẫu thấm thía về sự hữu hạn của con người và quy luật Sinh Lão Bệnh Tử, nhưng mỗi lần đón nhận mất mát từ những người xung quanh, chưa khi nào lòng tôi buông xuống nhẹ nhàng.
Lần cuối cùng tôi gặp chị, chị mới phẫu thuật xong, người gầy rộc, chỉ có thể khoác tay ra hiệu, và dùng bút đàm với tôi. Những lời dặn dò cuối cùng. Chiếc khăn choàng cuối cùng chị tặng.
Dẫu nỗi đau có rơi xuống vào bất cứ thời điểm nào, không nỗi đau nào giống với nỗi đau nào, đều là những cơn lũ nhấn chìm những người ở lại.
Đường hoa xuân trong Bệnh viện Chợ Rẫy – Ảnh: Báo Phụ Nữ Online

Học sống ưu tiên yêu thương

Có một thời gian tôi hay ra vào bệnh viện thăm người thân. Mỗi ngày, thân nhân chỉ được vào thăm bệnh từ 13h30-14h30. Những lần băng qua khoảng sân rộng tiến vào khuôn viên bệnh viện, tôi càng cảm thấy áp lực vô hình đè lên người.
Trái ngược với sự giằng co muốn sống, chính tại nơi này, phận người bất ngờ rơi vào những ranh giới chia cắt rạch ròi đến mức tàn nhẫn, dồn chúng ta vào những hoàn cảnh bất lực tột cùng.
Một lần đến thăm mẹ của một người bạn, khi nhìn thấy cô vẫn còn nằm hôn mê và chịu đau đớn, chúng tôi chỉ biết ứa nước mắt. Một ngày nọ, cô y tá nhìn vậy rồi bảo chúng tôi, khi não chưa hoàn toàn ngưng hoạt động, người bệnh vẫn có khả năng nhận thức. Nếu người thân vào thăm khóc lóc, đau buồn thì người bệnh sẽ cảm nhận được.
Đôi khi họ cũng bi lụy, không còn sức sống nữa. Do vậy, người bạn của tôi sau này không khóc bên giường mẹ nữa, thay vào đó, bạn ra ngoài, tìm chỗ vắng vẻ, rồi ngồi khóc.
Khóc riết cũng hết nước mắt, đến mức chỉ còn lại buồn và đau lòng. Cái chữ “Cố lên” đôi lúc làm người ta mệt rũ, tước người ta khỏi cái quyền được mệt mỏi, được khóc.
Liệu đối diện với mất mát lớn lao trong đời, chúng ta còn có thể làm gì khác?
Đối với tôi, đó là bắt đầu học sống với sự xa cách, sắp xếp lại các ưu tiên, và giữ cho mình một niềm tin bằng tất cả những gì còn lại.
Phạm Thị Ngọc Duẩn
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận